Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Lời Cuối Cho Cụ Bà Võ Thị Thoại ( Điếu Văn)


Thời gian quá nhanh!
Mới đó mà đã 15 năm trôi qua. Ngày 24 tháng 9 năm 2002, Má đã vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời. 
Từ lúc còn là một cô bé, đến khi về làm dâu và sau đó trở thành là mẹ của những đứa con, là chủ của một gia đình, việc thờ cúng ông bà, Má lấy đó làm niềm tin.

Nhưng, trong những ngày cuối đời, Má đã nhờ Vị Linh Mục, cho Má một câu kinh để "Má học". Một câu kinh dù ngắn, gọn, chỉ có 11 chữ, so ra rất khó khăn cho một người mà theo lời bác sĩ cho biết, chỉ còn một tuần lễ trên dương thế mà thôi. 
Cuối cùng rồi Má cũng thuộc lời kinh thứ nhất. Má tiếp tục, xin học thêm câu kinh thứ hai. Rất tiếc, chỉ được nửa câu...Má không còn cơ hội nữa rồi.

Lúc sinh thời, Má rất hâm mộ Vị Linh Mục, và phải chăng có sự gặp gỡ trong tâm hồn, chính Ngài là Người đọc điếu văn...đưa Má rời khỏi cuộc đời...

***
( Võ Thị Thoại năm 15 tuổi)

Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Trong những ngày tháng cuối đời của cụ bà Võ thị Thoại, tôi được may mắn gặp cụ hai lần. Lần thứ nhất, 45 phút, lần thứ hai khoảng 80 phút. Tổng cộng chỉ được hơn hai tiếng đồng hồ. Vậy mà đối với tôi sau hai lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi biết chắc rằng hình ảnh và phong thái của cụ sẽ vĩnh viễn lưu lại trong tâm hồn tôi. Nghe tin cụ mất, tôi đã bàng hoàng thương tiếc, gần như một người con vừa mất mẹ. Ngay cả đứa cháu của tôi, đã theo tôi hai lần đi gặp cụ, cũng vùi khóc ròng như một người cháu ruột vừa mất bà.

Cụ bà Võ Thi Thoại là một người như thế nào mà chỉ trong vài lần tiếp xúc với cụ, tôi đã bị cụ cuốn hút mãnh liệt nhanh chóng như vậy? Cụ là ai mà chỉ trong hai tiếng đồng hồ chuyện trò, tôi đã nuối tiếc ngẩn ngơ vì không còn cơ hội gặp lại cụ nữa? Quí ông bà anh chị em, chúng ta hãy cùng nhau lần giở lại trang sử đời cụ để tìm cách trả lời cho câu hỏi này.
Như một sự tình cờ ngẫu nhiên nhưng mang đầy ý nghĩa, cụ là một món quà đầu năm mới cho cuộc đời, vì cô bé Võ Thi Thoại sinh vào đúng ngày Mùng Một tháng Giêng năm 1924. Quê cô ở Vĩnh Long, vùng đất ngọt ngào tình tự quê hương. Cô thôn nữ Thoại chất phác thật thà như bản tính cố hữu của người miền nam. Chắc chắn lúc đó cô rất đẹp, vì lần đầu tôi gặp cụ, khi cụ đã hơn 78 tuổi, cụ vẫn còn nhiều nét thanh xuân mặn mà của thời con gái, mặc dù bây giờ người ta chỉ có thể khen cụ đẹp lão mà thôi.

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cô Thoại vừa đến tuổi trăng tròn, 15, 16, thì cụ ông, Lê Văn Sang, trước kia là một chàng công tử con nhà giàu, đã say mê cô thôn nữ. Lúc đầu, cụ ông còn bày đặt giả đò đi kiếm bạn cho cô, kiếm hoài không được. Dĩ nhiên là không được vì cụ ông đã có chủ ý rõ rệt “Em ơi! Kiếm hoài hổng được, thôi thì, em chịu đại anh cho rồi”. Sau lời cầu hôn ấy, hình như, cô thôn nữ đã gật đầu ưng thuận. Chàng công tử biết tỏng câu ca dao: “Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”. Bị dèm pha chưa chắc đã sợ nhưng chỉ sợ có thằng nào nhanh chân dớt trước thì lại tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng bởi vì cụ vừa đẹp, vừa dịu hiền lại vừa chất phác thật thà. Về nhà chồng năm 16, cô thôn nữ bây giờ đã là vợ, còn nhiều nét ngây ngô dại khờ. Cô nấu canh cho gia đình, bố chồng ăn xong chép miệng nói: “Con ơi! Canh hơi bị cứng”. Cô nhanh nhẹn trả lời: “thưa Tía, con hầm canh lâu lắm mà! Cứng sao nổi mà cứng, hả Tía?” Bố chồng mỉm cười đáp lại: “Tía nói cứng nghĩa là canh bị mặn, nhưng không sao đâu, con còn nhỏ, từ từ rồi tía má sẽ chỉ dạy thêm.” Câu nói dịu dàng ấy của Bố chồng, đã in sâu vào tâm khảm của nàng con dâu. Ở đời, người ta thường mỉa mai sự khắc nghiệt của bố mẹ chồng đối với nàng dâu. Trong gia đình chồng của cô Thoại, không hề có chuyện đó. Chính nhờ sự dịu dàng của Bố chồng, con dâu Thoại đã cảm nhận được những bài học về sự nhân ái trong cuộc đời Nhờ cảm nhận được bài học độ lượng này, nàng con dâu đã đem áp dụng lại để đối xử với mọi người, và đặc biệt nhất, để chỉ dạy giáo dục cho các con về sau.

Nếu hỏi rằng Cụ Bà Võ Thị Thoại là ai mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ hiếu thảo với bố mẹ, biết chấp nhận lầm lỗi, biết cảm kích trước lòng độ lượng của bố mẹ và biết học hỏi để truyền dạy lại cho con cái, cũng như chính cụ biết sống thực hành lòng độ lượng đó khi đối xử với mọi người chung quanh.

Thập niên 1940, chiến tranh tiếp tục leo thang khốc liệt tại quê hương. Dân chúng khốn khổ trăm chiều ngược xuôi lánh nạn, giặc Tây rồi lại Việt Minh. Mỗi lần Tây đi càn, tất cả con trai, đàn ông trong làng đều phải đi trốn, nếu không muốn bị chém đầu xử tử. Một mình cô Thoại ở lại nuôi con. Cô học tới lớp cao nhất bậc tiểu học, đối với thời bấy giờ, phải kể là một người có học thức cao. Nhờ thầy giáo Phụng hết lòng dạy dỗ, cô biết tiếng Pháp. Và chính nhờ số vốn ngoại ngữ này, cô đã cứu giúp được nhiều người bà con hàng xóm vì khả năng đối đáp trôi chảy nhuần nhuyễn của cô với giặc Tây.

Năm 1968, tết Mậu Thân, một lần nữa, gia đình ông bà Sang Thoại, lại bồng bế nhau trốn chạy rời Làng Giống Ké, Quận Vũng Liêm. Những sạp buôn trong chợ lại bị đốt sạch, cuối cùng, cả gia đình đành kéo nhau trở về quê nội. Sự giàu có của gia đình nội, tới thời gian này, vì chiến tranh loạn lạc, đã bị khánh kiệt gần như hoàn toàn. Nếu chúng ta từng đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, một nhà văn nổi tiếng người miền nam, chúng ta không thể quên được cái Lộ ông Bang, ông Bang đắp đường lộ, ông Bang chính là bố chồng của Bà Thoại. Gia đình giàu sang nhưng không tự cao hách dịch, ông bà đối xử rất tử tế với những người làm công và tá điền, sẵn sàng trợ giúp bằng mọi cách cho những người nghèo khổ khốn cùng. Các con cháu bây giờ, vẫn nhớ ơn ông bà, vì phước đức của ông bà để lại.

Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ Thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ rất nhân từ, rất can đảm và rất cương quyết, sẵn sàng đối phó với mọi gian nan thử thách, mọi tình huống nghiệt ngã trong cuộc đời để tận tụy phục vụ cho bố mẹ, cho chồng con và cho mọi người.

Năm 1975, quốc nạn bất ngờ ập đến, cuộc sống càng ngày càng cơ cực. Ông phải lặn lội đi xa coi sóc nhà máy xay lúa, một mình bà ở nhà nuôi dạy con cái. Mười đứa con, cả trai lẫn gái đều được khuyến khích theo học. Học hỏi không chỉ trong kiến thức, nhưng còn học cách làm người, như cha mẹ như ông bà. Bà Thoại khi rỗi rảnh kể lể chuyện ông Sang cho con cháu nghe, bà vẫn còn bùi ngùi lúc nhớ đến kỷ niệm ngày xưa. Ngày xưa, mà ông đã biết viết thơ về cảm ơn bà đã thay ông chăm sóc dạy dỗ các con nên người. Ngày xưa, mà khi bà bị bệnh nằm trên thường 28 ngày, dù đầy người giúp việc trong nhà nhưng ông cũng nhất định nghỉ làm trọn tháng để tự tay cơm bưng nước rót hầu hạ bà. Chúng ta sẽ vô cùng lầm lẫn, nếu cho rằng ngày xưa tình nghĩa vợ chồng không biết cách biểu lộ sự tình tứ lãng mạn và âu yếm mặn nồng. Một người con đã kể lại, chưa bao giờ thấy ba má to tiếng cãi nhau dù chỉ là một lần. Không phải là hai ông bà giấu giếm sự thật hay tránh né xung đột nhưng chỉ bởi vì hai ông bà biết cảm thông, biết chấp nhận, biết tôn trọng lẫn nhau và biết chân thành yêu thương nhau.Nếu hỏi rằng cụ Bà Võ Thị Thoại là một người như thế nào mà đã cuốn hút tôi mãnh liệt. Xin thưa rằng vì cụ hết lòng chung thủy với chồng con, hết lòng hết sức để nuôi dạy các con nên người, vì cụ không chỉ dạy dỗ các con bằng miệng lưỡi ngon ngọt, nhưng bằng chính đời sống như một tấm gương về lòng độ lượng của cụ.

Như rất nhiều các gia đình khác, sau biến cố 1975, ông bà tìm cách cho các con vượt biên, dù có phải vay mượn nợ nần. Đến năm 1984, ông bà được các con cháu bảo lãnh sang Úc. Tuổi đời đã chồng chất, nhưng cụ ông cụ bà không xuôi tay đầu hàng với tuổi đời. Năm 1984, bà đã 60 ngoài, ông đã gần đến thất thập cổ lai hi, nhưng cụ ông cụ bà vẫn chăm chỉ học tiếng Anh. Các thầy cô người Úc đến nhà dạy đều phải cúi đầu khâm phục sự nhẫn nại kiên trì và cương quyết của hai người học trò đáng tuổi cha mẹ họ, nhưng vẫn khiêm tốn tập đọc tập nói từng câu từng chữ. Quí thầy cô vụt trở thành bạn hữu thân thiết, vì khi học xong, ông bà thường mời họ ở lại dùng cơm, đối xử với họ đúng theo tinh thần hiếu khách và kính trọng của văn hóa Việt Nam Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Hai ông bà cụ không chỉ tôn trọng thầy cô, nhưng còn trân trọng tình bằng hữu đối với mọi người. Không biết thì thôi, nhưng ai đã từng gặp cụ ông cụ bà thì không thể nào cưỡng lại sự cuốn hút mãnh liệt của cả hai người. Sự cuốn hút của một tấm lòng nhân từ hiếu khách chân thành. 

Rất tiếc, cụ ông qua đời trước cụ bà bốn năm. Tình nghĩa vợ chồng sau hơn nửa thế kỷ sống chung đành đứt đoạn chia lìa. âu cũng là định mênh, âu cũng là lẽ đương nhiên của thân phận làm người. Bốn năm chờ đợi, cụ bà vẫn cương quyết ở lại ngôi nhà cũ, vì ngôi nhà là kỷ niệm của một thuở yêu thương gắn bó vợ chồng. Trước khi ra đi, cụ bà đã trối trăn lại cho các con Ba ở đâu thì Má ở đó. Nếu có chôn thì để ba với má chung một nấm mồ, nằm bên cạnh bờ tre, nơi ba má gặp gỡ nhau lần đầu. Cô thôn nữ Vĩnh Long về nhà chồng năm 16 tuổi, đến khi nhắm mắt, cũng vẫn một lòng chung thủy theo chồng, khi còn sống cũng như lúc qua đời.

Trong những ngày tháng cuối đời, niềm tin của cụ vẫn gói trọn vào sự biết ơn thờ cúng tổ tiên ông bà. Tuy nhiên, cụ Võ Thị Thoại còn mở rộng tâm hồn để đón nhận thêm niềm tin vào Trời Phật, Thượng Đế và Thiên Chúa Cụ thường xuyên suy niệm đọc kinh, chăm chú nhìn vào di ảnh của ông bà, của chồng và nhìn lên thánh giá. Đã có lần một người con hỏi mẹ: Má có sợ chết hay không? Cụ bảo: Má không sợ, nhưng chỉ sợ không có ai chăm sóc cho cháu Ngân, đứa cháu đi du học đang ở chung với bà. Đến giây phút gần đất xa trời như thế mà cụ vẫn một lòng hiền mẫu lo lắng cho các con các cháu. Sau cùng, cụ đã thanh thản, bình an nhắm mắt ra đi vào lúc 8 giờ 30 tối ngày 24 tháng 9 năm 2002. Vào đời vào đầu mùa Xuân, cụ từ giã cõi đời cũng vào một mùa Xuân. Phải chăng đời cụ mãi mãi là một mùa xuân cho mọi người?

Kính thưa quí ông bà anh chị em,

Xin chân thành cảm ơn quí vị đã kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của gia đình cụ bà Võ Thị Thoại. Có lẽ bây giờ, chúng ta đã đủ dữ kiện và chi tiết để trả lời cho câu hỏi của tôi: Cụ là một người như thế nào, cụ là ai mà chỉ sau hai lần gặp gỡ, tôi đã bị cụ cuốn hút mãnh liệt cho đến nỗi sự ngậm ngùi nuối tiếc của tôi rất gần với sự than khóc của một đứa con mất mẹ.

Nếu có thể tóm gọn lại, thì cụ bà Võ Thị Thoại đã cuốn hút mọi người bởi vì cụ có một tấm lòng độ lượng chân thành: Tấm lòng hiếu thảo của một người con đối với bố mẹ, tấm lòng chung thủy sắt son của một người vợ đối với chồng, tấm lòng mẫu tử dạt dào thiết tha của một người mẹ đối với các con, tấm lòng khoan dung nhân hậu của một người bà đối với các cháu, tấm lòng tử tế thân thiên của một người bạn đối với bằng hữu hàng xóm láng giềng và ngay cả tấm lòng hiếu khách cởi mở chân thành đối với người dưng nước lã. Nếu tính theo số thời gian được gặp cụ, thì tôi chỉ là một người dưng, nhưng người dưng hay người thân không tùy thuộc vào số lần gặp gỡ bên ngoài, mà tùy thuộc vào sự gặp gỡ của hai tâm hồn. Đối với tôi, mặc dù chỉ trong hai lần gặp gỡ nhưng tôi đã là một người thân của cụ, và cụ đã là một người thân của tôi, vì tôi và cụ đã gặp gỡ nhau ở sự sâu thẳm cảm thông của hai tấm lòng.

Cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta món quà cụ bà Võ Thị Thoại.

Cảm ơn cụ bà đã ban tặng cho chúng ta món quà của một tấm lòng độ lượng. Cảm ơn cụ bà đã để lại cho cuộc đời những người con, dâu, rể, cháu chắt. Họ sẽ là những chứng nhân đích thực của cách sống độ lượng Võ Thị Thoại, để người khác khi nhìn vào hoa trái đời sau sẽ biết giá tri của cội nguồn đời trước. 

Dưới nhãn quan của một cuộc đời bình thường, với niềm thương tiếc vô hạn và trong niềm cảm thông chia sẻ nỗi buồn với gia đình con cháu, chúng ta xin vĩnh biệt cụ Võ Thị Thoại. Nhưng dưới nhãn quan của một niềm tin tôn giáo, với niềm hy vọng vào một hội ngộ ở cõi vĩnh hằng, chúng ta chỉ xin tạm biệt cụ. Như đã có lần cụ kể lại cho các con: Cụ bà mơ thấy cụ ông đang xây nhà mới để đón cụ về. Như thế, cụ bà phải lên đường ra đi để được trở về đoàn tụ với cụ ông. Như di ngôn sau cùng của cụ để lại cho các con: Các con hãy biết đoàn kết, biết chăm sóc đùm bọc và yêu thương nhau. Hẹn ngày gặp lại các con trong một thế giới khác, thế giới của sự bình an và hạnh phúc đời đời. Riêng cá nhân tôi, tôi rất cần gặp lại cụ, vì cụ còn một câu chuyện leo cây lý thú mà cụ định kể cho tôi nghe nhưng chưa có cơ hội. Xin tạm biệt cụ, hẹn ngày được vinh dự gặp lại cụ trên thiên đường của niềm hạnh phúc và bình an.

Đã có nhiều tiếng khóc tiếc thương vô vàn cụ bà Võ Thị Thoại, nhưng trong những giọt lệ đó, hy vọng sẽ tiềm ẩn một nụ cười biết ơn cuộc đời trần thế của cụ, giống như nụ cười thật tươi của cụ trong di ảnh để lại cho chúng ta ngày tiễn đưa cụ hôm nay.

Melbourne 24 - 9 - 2002 
Linh Mục Đinh Thanh Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét