Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Hoa Đào Trước Gió Đông…Hoa Đời Trong Giông Bão


       Mấy hôm, trời không mưa nhưng có gió mạnh. Trời không mưa, nên lạnh thêm buốt. Cái buốt giá của mùa Đông, khiến lòng người lạnh lẽo theo. Vậy mà, mới đầu tháng Tám, Anh Đào đã đơm nụ, chi chít trên cành. Mươi ngày sau, nụ chuyển màu phơn phớt, nhuộm hồng cả tàng cây, không thấy đâu là lá, tạo nét quyến rũ riêng cả con đường.
“ Xuân đáo bách hoa khai”!*
“Xuân đến trăm hoa cười”!**
       Nhưng bây giờ chưa là mùa Xuân, còn đang Đông mà Anh Đào lại trổ hoa.
Đây, Xuân của đất trời!
Hay, Xuân của lòng người!?

       Úc Châu, mùa này đất trời âm u. Sương mù giăng giăng lối. Che giấu những tàng cây còn trơ trụi lá. Che giấu cả nỗi lòng của người đang vùi trong sương mai. Úc châu đang giữa mùa Đông. Cảnh buồn. Lòng cô quạnh. Duy chỉ những tàng cây Anh Đào, dọc hai bên đường, trái ngược, mang nét ấm áp, tươi mát, mùa Xuân như trở lại, khi màng sương tan loãng.
Anh Đào đang trổ hoa!
       Mấy mươi năm, sống nơi đây, tôi đã gắn bó với một cội trong hai hàng cây Anh Đào. Cội Anh Đào này đã che mưa gió, hứng sương mai. mỗi ngày ngày, khi đứng dưới tàng cây chờ đợi chuyến xe sớm và cũng là nơi chiều chiều, trở về sau một ngày mệt mỏi với công việc. Đã mấy mươi năm gắn bó như thế, nhưng tôi như một chiếc máy, chạy đúng giờ. Mấy giờ, phải có mặt đứng dưới cội cây này, đợi chờ xe đến. Mấy giờ, từ trên xe bước xuống, cũng nơi cội cây này. Thế mà, tôi nào nhận ra, lúc nào Anh Đào trổ hoa, khi nào Anh Đào rơi rụng. Mãi đến hôm, cảm nhận ra bước chân mình đang dẫm lên hoa, lòng mang mang một cảm giác lạ, chợt giật mình…thấy hoa Anh Đào trước gió Đông. Có phải tôi vô tình hay nguyên nhân nào…khiến tôi không thấy. Có lẽ cả hai!
       Ngẫn đầu lên, thấy hoa còn trên cành hay cánh chao trong gió. Cuối nhìn xuống, thấy những xác hoa sắc hồng, nhỏ. mỏng manh đã rơi rụng, rải rác, nằm trên mặt đường. Tôi tự hỏi, có bao bước chân vô tình dẫm lên hoa, như tôi đã từng…khiến hoa tan tác càng tan tác thêm. Tôi rùng mình, hồi tưởng, nhớ lại thời gian dài đã qua, của đời mình, của một thời tan tác. Tôi bỗng liên tưởng đến và so sánh với, sắc hoa cùng vẻ đẹp của người thiếu phụ.
       Hoa, có loại sặc sỡ thu hút bướm ong và cả người. Hoa, có loại ngào ngạt hương đêm, lan tỏa, gọi mời. Hoa, có loại được người nâng niu, chăm sóc, được che nắng, hứng sương. Hoa, có loại chịu dãi nắng, dầm mưa, thật phũ phàng. Hoa, dù trên cành hay rơi rụng đều tạo vẻ đẹp riêng.
       Cánh hoa đời, ngoài sự tàn phá của thiên nhiên, còn kể đến con người. Hoa đời, không được may mắn, chẳng lúc nào đẹp như những cánh hoa Anh Đào đang nằm trên đường kia. Bởi, đời người thiếu phụ, có người luống tuổi vẫn giữ được nét xuân sắc mặn mà. Có người, vừa chớm qua thời con gái đã tàn rụi chịu chết non.


      Thế mới biết, lòng người vô tình, nhưng lòng hoa thì không. Giữa cái lạnh lẽo buốt giá của mùa Đông, hoa Anh Đào vẫn âm thầm vươn lên, mang niềm tin yêu, sức sống mãnh liệt vẫn tiềm tàng, căng đầy tạo một đời sống mới, hòa vào vũ trụ và nở hoa trong năm sau. Những cánh hoa Anh Đào kia, dù mong manh, nhỏ nhoi, nhưng vẫn giữ nét đẹp đến phút cuối, dù tàn tạ rơi tan tác trên mặt đường. Đến nỗi, một bước chân dù dẫm lên hoa, hoa vẫn tạo cái đẹp cho đất trời dù tơi tả trước gió Đông và tạo nên niềm cảm hứng cho Văn Thi Sĩ. Hoa Đào trước gió Đông!
       Một cánh Hoa đời, tội tình gì, vẫn bị vùi dập trước giông bão cuộc đời. Cánh hoa đời, chịu tàn tạ khi tuổi xuân vẫn còn đây, sắc xuân có đó. Hoa đời trong giông bão!

       Chỉ một vài hôm nữa, Úc châu sẽ đi vào mùa Xuân…Hoa Đào thì tàn và Hoa đời thì ra sao?
Làm sao mà biết được!

Kim Phượng


Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Buổi Học Đầu Tiên Tại Trường Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long



Tôi bước vào văn phòng trong bầu khí yên lặng nặng nề và gặp cô thư ký đã đứng tuổi có nét mặt trang nghiêm, cô mặc áo dài, tóc chải láng, búi tóc cao. Cô không có nét gì đặc sắc dù vậy tới bây giờ tôi còn hình dung ra khuôn mặt của cô. Cô ngồi ở cái bàn, giữa đống giấy tờ sổ sách và làm việc như một cái máy. Trong góc trái từ cửa vào có chiếc bàn nhỏ và một người đàn ông đang ngồi yên lặng đọc cái gì đó. Sau khi ghi tên tôi, cô thư ký trao một mảnh giấy cho người đàn ông: “ Chú Ba, đưa học sinh mới này vào lớp”. 

Chú Ba có vóc người nhỏ bé, hơi gầy, tóc khá dài xức “brillantine” bóng láng chải rẽ ngôi giữa đầu. Chú mặc áo sơ mi carô, quần đen, áo bỏ ngoài quần và mang “sandal”. Nhìn chung, con người Chú Ba gọn gàng sạch sẽ ra dáng một người làm việc văn phòng, cho dù là một vai trò khiêm tốn.
Tôi bước theo Chú Ba dọc theo hành lang các lớp học trong bầu khí yên lặng nặng nề không một tiếng động ngoại trừ tiếng thầy giảng bài trong lớp vọng ra. Qua hết dãy nhà thứ nhất với 2 phòng học, tới một quảng trống, bắt đầu dãy thứ hai thì Chú Ba dừng lại ở lớp đầu tiên và bảo tôi đứng chờ ngoài cửa trong khi chú bước vào trao mảnh giấy cho thầy . Cả lớp học đột nhiên yên lặng như tờ, con muỗi bay cũng nghe! Từ cửa liếc nhìn vào tôi chỉ thấy toàn đầu là đầu, rất nhiều cái đầu và từng ấy cái đầu đang ngoái lại nhìn thẳng vào tôi. Tôi đứng như trời trồng, tay bám cứng cuốn sổ bìa đen, một chút mồ hôi tay chảy ra, mắt nhìn thẳng vào thầy giáo đang ngồi sau bàn và nghe máu trong huyết quản đang dâng lên làm mặt tôi nóng bừng. Thì ra tôi chưa chuẩn bị cho tình huống này. Trong cái giây phút lâu như một thế kỷ đó tôi có cảm tưởng như mình là một người mẫu đang trình diễn thời trang “chiếc áo bà ba” trước hàng trăm con mắt của các học sinh trong lớp. Thật khó mà đoán được lúc bấy giờ các học sinh đó đang nghĩ gì, có lẽ họ cũng chưa được chuẩn bị để đối diện với cảnh này nên tất cả chỉ biết ngồi yên bất động, mắt tròn xoe đang dán vào người tôi như con người đến từ một hành tinh khác!
Chú Ba bước trở ra bảo tôi vào lớp. Tôi bước vào như một cái máy trong khi chưa biết giờ đó là giờ gì và tôi phải làm gì! Vừa được mấy bước, bất ngờ tôi nghe một giọng thật to và sắc của thầy giáo đang nhìn thẳng tôi: “ What’s your name?”. Thì ra đây là giờ học Anh Văn. 
Vận may bất ngờ đến với tôi vì lúc đó Anh văn là môn ruột của tôi. Tôi đứng yên, lấy lại bình tĩnh nhìn thẳng vào thầy giáo và trả lời một cách chững chạc với giọng to không kém gì cường độ âm thanh của thầy: “ My name is Nguyễn Hữu Lễ, teacher!”. Trả lời xong tôi thấy nhẹ người và tự tin và quên hẳn dáng vẻ “hai lúa” với bộ đồ bà ba và đôi guốc dong quê mùa của tôi. Sau câu trả lời, không biết thầy giáo nghĩ gì nhưng tôi tin chắc là hàng trăm con mắt khác trong phòng đang mở ra thật to vì ngạc nhiên! Tôi đã thắng màn đầu.
Thầy giáo tỏ vẻ bằng lòng, gật đầu bảo tôi, lần này thì giọng của thầy nhẹ nhàng hơn: “Take a seat!”. Tôi trả lời trong khi cúi đầu chào thầy:” Thank you, teacher!”. Nói xong tôi quay xuống theo con đường giữa lớp đi tìm chỗ ngồi. Thì ra nãy giờ tôi toàn nói tiếng Anh!
Thầy tiếp tục giảng bài và nói bằng tiếng Anh. Hôm đó thầy dạy về trường hợp hai động từ đứng liền nhau thì động từ phía sau phải ở thì nào. Luật Văn phạm này tôi đã biết nhưng khi thầy quay xuống hỏi : “Who knows?” tôi ngạc nhiên vì thì thầy hỏi mấy lần mà không thấy ai giơ tay. Tôi đứng lên giơ tay nói to tiếng: “ Yes! I do, teacher”. Thầy gọi tôi lên bảng. Tôi cầm phấn viết chữ: ”to” chen vào giữa hai động từ và giải thích là động từ sau phải ở nguyên mẫu. Thầy giáo mỉm cười gật đầu và bảo tôi về chỗ. Tôi bước xuống, vừa đi vừa nghĩ bụng, nếu lúc nãy có bạn nào có vẻ coi thường anh học trò nhà quê mới lên tỉnh thì lúc này chắc đã thay đổi cái nhìn. Tôi thắng tiếp một bàn nữa. Tới giờ ra chơi, tôi nhìn lại trong lớp tất cả học sinh mặc đồ tây, đi giày hoặc “sandal”, chỉ có một mình tôi mặc đồ bà ba trắng, mang guốc. Nhưng điều đó không ảnh hưởng gì cả, vì ngay sau buổi học đầu tiên đó tôi đã có vài người bạn, và điều này mới thực sự quan trọng đối với tôi.
Thầy dạy tiếng Anh mà tôi gặp trong ngày đầu bước vào Nguyễn Trường Tộ là thầy Nguyễn Đức Hạnh. Thầy Hạnh chỉ dạy tôi một năm trong 3 năm tôi theo học Nguyễn Trường Tộ và Thầy để lại trong lòng tôi sự kính mến đặc biệt, chẳng những về tài dạy Anh văn mà còn về phong thái đạo đức của Thầy. Năm 1960 tôi rời Nguyễn Trường Tộ sau khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Tôi ra đi mang theo biết bao kỷ niệm dưới mái trường thân yêu cùng với hình ảnh các Thầy, Cô và bạn bè. Phải nói rằng tất cả những gì thuộc về trường Nguyễn Trường Tộ kết thành một mảng thật đẹp trong bức tranh kỷ niệm của đời tôi.
Mới đó mà tôi rời Nguyễn Trường Tộ đã hơn nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ với biết bao biến đổi thăng trầm nhưng tôi vẫn nhớ Nguyễn Trường Tộ và ước mơ một dịp họp mặt Nguyễn Trường Tộ như học sinh các trường khác thường làm để cùng nhau ôn lại Kỷ Niệm Ngày Xanh. Trong niềm ươc mơ đó, từ khi ra hải ngoại vào năm 1990 và trong 20 năm sau đó, nhu cầu công việc đưa đẩy tôi đi rất nhiều nơi và nhiều lần trên thế giới, tới đâu tôi cũng mong tìm gặp lại qúy Thầy Cô và bạn bè của Nguyễn Trường Tộ năm xưa.
Dịp may tôi gặp lại thầy Nguyễn Đức Hạnh vào năm 2003 tại Santa Ana. California. Thầy Cô đã già yếu và từ đó tới nay thầy trò vẫn liên lạc thường xuyên. Chuyến đi nào qua Mỹ tôi cũng tới chào thăm Thầy Cô. Rồi mùa hè “đổ lửa” ( 117độ F) năm 2011 trong chuyến đi làm việc tại Phoenix, tôi gặp anh chị Bình-Nhiều là bạn học Nguyễn Trường Tộ. Chị Nhiều cũng có chung ước mơ như tôi và chúng tôi bàn tính cuộc họp mặt NTT một cách tương đắc. Trong khi tôi tiếp tục đi công việc bên Âu Châu thì Nhiều rất tích cực liên lạc với bạn bè Nguyễn Trường Tộ khắp nơi và thu thập một danh sách hơn 100 người, phần anh Bình lo việc làm một trang web cho Nguyễn Trường Tộ và tính kế hoạch có Đặc san cho Nguyễn Trường Tộ. Chúng tôi bàn tính sẽ đề nghị tổ chức cuộc họp mặt vào mùa hè 2012 tại Nam Cali. Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì tôi gặp trở ngại về sức khoẻ vì trong chuyến đi làm việc Úc Châu tháng 12 năm 2011 trên đường về New Zealand tôi bị ngã bất tỉnh trên máy bay. Cũng may là chuyến bay ngắn nên vào bệnh viện cứu cấp kịp thời nhưng từ đó tôi gặp trở ngại rất nhiều trong việc đi lại, nhất là khi phải bay đường xa.
Ngày 19 tháng 5 năm 2012 vừa qua, các bạn họp bàn lần đầu tiên tại nhà anh Mai Thế Nghĩa ở Nam Cali, dưới sự chủ toạ của Thầy Nguyễn Đức Hạnh và quyết định tổ chức Đại Hội Nguyễn Trường Tộ lần đầu tiên vào ngày 25-26 tháng 8 năm 2012 tại Nam Cali. Thư Mời đã được gởi ra. Đây là một tin vui rất lớn đối với tôi nhưng rất tiếc vì lý do sức khoẻ tôi không thể có mặt được trong cuộc họp mặt mà tôi hằng ước mơ và mời gọi! 

Một đoạn cuối cho bài này: “Kính thưa Thầy Nguyễn Đức Hạnh. Con cám ơn cuộc đời đã an bài cho con gặp Thầy trong buổi học đầu tiên ở Nguyễn Trường Tộ để con đầy đủ tự tin khi nhập cuộc Nguyễn Trường Tộ và sau đó là bao nhiêu kỷ niệm thân thương. Nếu hôm đó không phải là lớp Anh văn của Thầy mà là giờ Toán, là món mà con dốt nhất, thì không biết là chuyện gì xảy ra cho con. Đã 55 năm qua kể từ buổi xế trưa hôm đó nhưng con còn nhớ như in. Con vẫn ghi nhớ Thầy là thầy dạy Anh văn hay nhất mà con được học, mặc dù phải nói lúc đó Thầy rất nghiêm khắc và con rất sợ Thầy. Rồi định mệnh an bài cho thầy trò gặp lại nhau tại Mỹ sau gần nửa thế kỷ!
Năm 2003, cũng vào một buổi xế trưa, con tới bấm chuông nhà Thầy tại 708 S.Toland Santa Ana và hồi hộp đứng chờ, nhưng lần này trong tâm trạng vui mừng khác với cảm giác ở Nguyễn Trường Tộ năm xưa. Thầy ra mở cửa cho con nhưng thay vì câu “What’s your name?” của năm xưa, Thầy nói “Cha Lễ đấy à!”rồi thầy trò ôm ghì lấy nhau. Yên lặng, con ruồi bay cũng nghe. Cô cũng vừa bước tới, con theo Thầy Cô vào nhà, vừa đi vừa gỡ kính ra lau mắt.”

Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ

THẠCH TRONG (HĐN) 
Chuyển đến

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Nợ Ân Tình - Cánh Cửa Diệu Kỳ


Bài Xướng:

Nợ Ân Tình


Ân tình khó trả lắm ai ơi
Dễ biết tìm nhau đã mấy đời
Hoa nở muộn màng khi xế bóng
Trăng tàn vội vã lúc cao ngôi
Ngậm ngùi tiếng nấc dòng châu ứa
Luyến tiếc lòng thương chiếc lá rời
Một kiếp qua đi còn mấy thuở
Chia đường tống biệt cũng đành thôi.

Tống biệt cũng đành thôi trả vay
Tương sanh tạm bợ có bao ngày
Thương yêu chằng nổi đừng căm ghét
Chia sẻ chưa vơi chớ đọa đày
Đoạn cuối sông mê cam rệu rã
Kê vàng giấc tỉnh chịu chua cay
Nguyện cầu xóa sạch oan khiên trước
Khỏi kết hận lòng quá đổi thay.

Cao Linh Tử
***
Cánh Cửa Diệu Kỳ


Cố níu thời gian nhưng hỡi ơi
Hữu duyên thiên lý tạm quên đời
Nụ hồng muộn nở còn treo dáng
Nhan sắc phai tàn sớm đổi ngôi
Dạ sắt ngàn năm còn gặp gỡ
Lòng son muôn thuở chẳng xa rời
Thủy chung một sớm đem rao bán
Nặng nợ ân tình đến thế thôi

Ân tình đến thế thôi đành vay
Tạm bợ quên đi hết tháng ngày
Da diết một đời cam phận khổ
Tương tư suốt kiếp tự mình đày
Nuôi cơn mộng ảo ôm sầu hận
Tỉnh giấc kê vàng chuốt đắng cay
Chỉ một cửa lòng vừa khép lại
Trăm nghìn cánh mở diệu kỳ thay

Kim Phượng


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Chiều Thu - Thu Sầu



Bài Xướng:

Chiều Thu


Mình ta
Đứng giữa hoang tàn
Ngổn ngang…
Ảm đạm…
Lá vàng rơi rơi
Hình như…
Ai đó gọi: “…ơi!”
Ngoảnh tìm…
Chỉ bóng mình phơi
Trong chiều!

Có còn đọng lại
Ít nhiều
Tay trong tay ấm
Vạn điều… tương tư…?
... Thu khóc ư?
... Ta khóc ư?

dovaden2010-12/8/2017

... hồn ai lạnh lẽo giữa hư không...
... mình ai lạc lõng giữa mênh mông...
***
Bài Họa:

Thu Sầu


Chim trời
Dần khuất ngày tàn
Thu đơn
Ru điệu
Xưa vàng lá rơi
Bồi hồi
Gọi khẽ người ơi
Mỏi mòn
Tóc điểm tuyết phơi
Sương chiều

Nỗi đau dày xéo
Đã nhiều
Còn trong đáy mắt
Bao điều ưu tư
...Mong thu ư?
...Chờ thu ư?

Kim Phượng

...thu khóc cho người có phải không
...lạc lõng hồn ta cõi quạnh mông






Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Mưa Tháng Tám


Mưa tháng Tám rạt rào ôm nỗi nhớ
Những nụ mùa run rẩy dưới trời đông
Từng cánh lá chuyển màu bay lãng mạn
Thẩn thơ hồn đôi mắt ướt bên song

Mưa tháng Tám thầm thì giăng kín lối
Nhạt bờ môi đơn gối lạnh tha hương
Vòng tay chờ lạnh lùng băng giá
Chết giữa thâm u khúc đoạn trường

Mưa tháng Tám đêm rồi chẳng ngủ
Mở hồn thơ khép ước mơ xưa
Chao ơi nén thở dài trăn trở
Hãy trả cho nhau khoảng trống vừa...

Kim Phượng



Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Bịnh Hoài - Bịnh Ảo


Bịnh Hoài

Hổm rày sức khoẻ chẳng hề an
Thời tiết giờ đây thiệt khó bàn
Đêm đến mũi sao thường bị nghẹt
Còn ngày miệng cứ mãi ho khan
Ngủ nghê không được nên đành thức
Lăn lộn đủ bề lại tức ngang
Như thế có ai mà chả bực
Về già dễ bịnh đúng y chang.

Quên Đi 
***
Bịnh Ảo


Facebook lướt hoài thiệt bất an
Quên ăn mất ngủ chuyện đem bàn
Trong khi mệt mỏi than từ bỏ
Đến lúc an nhàn tán gẫu khan
Ảo ảo suốt ngày thân cắm dọc
Mơ mơ cả buổi rễ ăn ngang
Cây đời đã thế sao không bịnh
Cố chạy trời đâu lánh chói chang

Kim Phượng


Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Cây Đàn Bỏ Quên - CHS Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long

Mến tặng anh Phú và anh Phủ Hiền cùng Ban nhạc trẻ Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long xưa và nay.


Nhạc và Lời: Phạm Duy
Tiếng hát: Vũ Khanh
Hình Ảnh: Phủ Hiền,Trương Văn Phú
Thực Hiện: Kim Oanh


Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Ví Dầu


Bài Xướng:

Ví Dầu


Ví dầu em ở hay đi
Cũng xin để lại chút gì với nhau
Một mai nước chảy qua cầu
Ta còn cái thuở ban đầu chớm yêu

Trần Bang Thạch
***
Bài Họa:

Ví Dầu


Dẫu mà kẻ ở người đi
Nghìn thu còn mãi những gì trao nhau
Ví dầu con tạo cơ cầu
Trái tim chửa xóa mộng đầu ấp yêu

Kim Phượng


Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Cạn Ao, Bèo Ăn Đất


Niên khóa 1951-1952, các bạn của tôi được gửi đi học tại Đại chủng viện Phát diệm, cha Giám đốc Đệ tử Châu sơn yêu cầu tôi ở lại, tổ chức dạy học cho các chú đệ tử, từ Châu sơn, Nho quan di cư xuống làng Như tân, Phát diệm. 

Đệ tử viện lúc đó có khoảng mười mấy em học sinh (thường gọi là các chú, tu sinh ); chia làm ba lớp: Đệ lục, Đệ ngũ và Đệ tứ; mỗi lớp chỉ có bốn, năm học sinh. Các đệ tử của dòng, trước đó chủ yếu là học La ngữ và Pháp văn, còn các môn khác, khi có giáo viên môn nào thì học môn đó, không có thì bỏ luôn. 
Để thực hiện chương trình học cho năm đó, tôi đề nghị với cha Giám đốc cho các tu sinh học theo chương trình của chính phủ, cuối năm lớp Đệ tứ sẽ dự thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Với sự chấp thuận của ngài, tôi bắt đầu xếp thời khắc biểu, soạn thảo chương trình, tìm mua sách giáo khoa cho ba cấp lớp… Điều tôi lo nhất là vấn đề nhân sự! Nhìn đi ngó lại, nhà trường chỉ có tôi và một ông bạn là thủ quỹ cho Đệ tử viện, ông ấy chỉ nhận dạy giúp tôi hai môn: Sử và địa, còn bao nhiêu tôi phải cáng đáng hết; lúc đó tôi lâm vào cảnh “cưỡi lưng cọp!” Đành phải đánh nước liều! Vì phải dạy tới năm môn chánh: Việt, Anh, Toán, Lý và Hóa cho ba cấp lớp khác nhau, tôi liền nghĩ ra cách xếp thời khắc biểu làm sao để cho các lớp có giờ học, giờ làm bài, xen kẽ với giờ lên lớp, như thế tôi mới có thể đi từ lớp này sang lớp khác, giảng bài được. Một trở ngại lớn nữa đối với tôi là các học sinh đều mất căn bản về các môn tôi đảm nhiệm; như tôi đã đề cập tới ở trên, từ trước tới nay Tu viện chỉ chú trọng dạy các tu sinh học Pháp văn và La ngữ, còn các môn khác coi như ngoài chương trình. Vì chính bản thân tôi cũng đã là nạn nhân của sự mất căn bản về các môn học trên, nên tôi mới có được kinh nghiệm trong việc lấy lại căn bản cho các học sinh đó. 
Trong suốt niên khóa, tôi dồn mọi khả năng dạy cho Đệ tứ, lớp phải dự thi tốt nghiệp cuối năm; còn hai lớp kia, tôi chỉ cố gắng giúp các em lấy lại căn bản và học cho hết trương trình thôi. Để đạt được mục tiêu trên, tôi đã tìm mọi cách, mua cho bằng được những sách bài tập, có bài giải sẵn, về đủ các môn, nhất là cho lớp Đệ tứ, (Tập làm văn Đệ tứ của Giáo sư Nghiêm Toản; Dịch Việt Anh, Anh Việt Đệ tứ của Giáo sư Lê Bá Kông; bài tập đại số và hình học Đệ tứ của Giáo sư Nguyễn Dương Đôn; bài tập Lý, Hóa Đệ tứ của Giáo sư Bùi Phượng Trì…) Tôi yêu cầu các em chia nhau đọc và làm các bài đó cho đến khi gần như thuộc lòng…Mỗi tuần các học sinh phải làm một bài thi cho từng môn, chấm bài xong, tôi thấy bài nào được điểm cao nhất, đọc cho cả lớp nghe, lấy đó làm mẫu cho mọi người nghiên cứu và học hỏi.
Niên học vừa chấm dứt, tôi cùng cha Giám đốc đưa bốn học sinh Đệ tứ, đáp tầu thủy lên Nam định để dự thi; kết quả: Một được vào vấn đáp và đậu, còn ba trượt vỏ chuối; may mà đậu được một, chứ không thì ê mặt cả thầy lẫn trò! Trên tầu thủy trở về Như tân, tình cờ tôi gặp một em học sinh; hỏi chuyện ra mới biết, em là học sinh trường Trần Lục, Phát diệm, em cũng lên Nam định để thi; tôi thắc mắc hỏi,” Tại sao em lại về một mình?” Em trả lời, “Lớp em có 20 học sinh dự thi, nhưng chỉ có một mình em được vào vấn đáp và đậu, nên các bạn của em đã về nhà trước rồi."Nghe em học sinh ấy nói, tôi tự nghĩ, thế ra mình dạy cũng chưa đến nỗi tệ lắm! 

Một trường trung học, tầm cỡ địa phận, có một hàng ngũ đầy đủ các giáo sư tài ba, lỗi lạc, mỗi thầy dạy chuyên một môn, mà tỷ số đậu chỉ có 1 trên 20; còn mình, đơn thương độc mã, lại đậu được 1 trên 4; vậy là quá sức tưởng tượng rồi, còn đòi hỏi gì nữa! Tôi thầm nghĩ , “Trường hợp của mình là (Cạn ao, bèo ăn đất) so sánh làm sao được!”Bây giờ hồi tưởng lại tôi mới thấy, mình, thật to gan, đã làm một việc mà chưa ai làm được, và cũng chẳng ai dám làm.

THẠCH TRONG (HĐN)


Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Thầy Hay Thợ? - Ơn Nghĩa Cao Dày


Bài Xướng:

Thầy Hay Thợ?

Tài đức gì đâu được gọi thầy?
Chỉ là lão thợ hết thời đây
Đường tu chửa đến đuôi bờ giác
Vốn học không rồi cục gạch xây
Tiêu khiển bạn đời thơ với thẩn
Hành thiền công quả búa và cây
Khuôn hòm cái khánh qua ngày tháng
Tài đức gì đâu dám nhận thầy.

Cao Linh Tử
15/8/2017
***
Bài Họa:

Ơn Nghĩa Cao Dày

Công Cha nghĩa Mẹ với ơn Thầy
Tài đức trau giồi khắc cốt đây
Thế hệ mai sau cần gắng giữ
Tiền nhân đời trước bỏ công xây
Mẹ Cha nhân hậu thơm hoa trái
Con cháu hiền lương phúc cội cây
Cuộc sống mỗi ngày thêm hữu dụng
Công Cha nghĩa Mẹ với ơn Thầy

Kim Phượng


Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Mỏi Mòn


Bài Xướng:

 Mỏi Mòn

Bậu ơi trời tối đã lâu
Qua mòn mỏi đợi Bậu đâu chưa về
Ngồi chờ mà dạ ủ ê
Đồng hồ từng nhịp lê thê canh dài

Quên Đi
***
Các Bài Họa:


Đổi Mới

Lang thang xó chợ bấy lâu
Không nơi nương tựa bé đâu ngõ về
No lòng cơm cặn hôi ê
Mong ngày đổi mới thỏa thê đời dài

Kim Oanh
***
Mỏi Mòn


Bền lòng mòn mỏi chờ lâu
Đôi bờ thương nhớ đi đâu cũng về
Chớ chi mặt ủ mày ê
Mai kia kết nghĩa phu thê tình dài

Kim Phượng
***
Các Bài Cảm Tác:

Trách


Đôi mình quen đã bao lâu
Mà sao mai mối trầu cau chẳng về
Để em mặt ủ mày ê
Anh quên lời hẹn phu thê nghĩa dài.

Phương Hà
***
Tái Tê

Trúc, Mai hàng xóm khá lâu
Học chung trường, lớp trước, sau cùng về
Mãi mê liếc trộm...thẹn ê
Vấp chân té ngã tái tê đường dài...

Mai Xuân Thanh
***
Mùa Sang


Đông tàn cũng đã từ lâu
Xuân sang, hạ đến mùa sau thu về
Trường làng tiếng trẻ a ê…
Ve ngừng than thở buồn thê ngày dài

Yên Dạ Thảo


Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Cây Chuối Và Mẹ Việt Nam


Buồng chuối dài ôm chặt trái thon thon;
Tháng ngày tần tảo nuôi cả trăm con!
Thân mình cao gầy ốm nhom ốm nhách;
Bổn phận nuôi dưỡng luôn luôn lo tròn.


THẠCH TRONG (HĐN)

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Tôi


1/ Bài Xướng:

 Tôi

Lắm lúc email mấy chữ thôi
Mà cho đậm cảm giác bồi hồi
Cái gì mở ngõ tuồng như thể…
Tôi…

Cao Linh Tử
***
Các Bài Họa:


Chỉ chừng chữ ấy trải lòng thôi
Khó quá sai ơi sửa mấy hồi
Trầm bổng áng thơ trao cảm mến...
Tôi...

Kim Phượng
***

Hai bài xướng họa quá hay thôi
Thưởng thức tim lay choáng một hồi
Thơ thẩn thả vần cùng Tử, Phượng (*)
Tôi...​

​Kim Oanh​
(*) Anh Cao Linh Tử và Chị Kim Phượng
******

2/ Bài Xướng: 


Tôi

Gió chẳng muốn ngừng mây chửa thôi
Thay hình đổi chỗ biết bao hồi
Tà dương còn chút tình lưu luyến
Tôi!

Cao Linh Tử
***
Bài Họa:


Nhơn tình ấm lạnh vậy thì thôi
Sang tới hèn lui đã tự hồi
Thế thái đắng cay lòng vẫn trụ
Tôi!

Kim Phượng
***
Muốn cây đứng lặng gió ngừng thôi
Tri kỷ hiểu nhau chẳng mấy hồi
Mượn Chữ trao tâm tình quyến luyến
Tôi!

Kim Oanh
******

3/ Bài Xướng:


Tôi

Quý mến nhau rồi chớ bảo thôi
Cầu mong bên nớ mãi thư hồi
Dù muộn nắng tà xin hiểu thấu
Tôi.

​ Cao Linh Tử
***
Các Bài Họa:


Thâm tình lay động trái tim thôi
Sinh ký tử quy lẽ khứ hồi
Mến nhau thấu hiểu lòng tri kỷ
Tôi.

Kim Phượng
***
Khoang dung độ lượng ở đời thôi
Hạnh phúc tâm an ắt khứ hồi
Trồng duyên gieo thiện phàm ân phước
Tôi.

​Kim Oanh​ 
***

4/ Bài Xướng:


Tôi

Chỉ một hồng nhan tri kỷ thôi
Gần xa ngỡ gặp biết bao hồi
Bèo mây tụ tán nào ai biết
Tôi

Cao Linh Tử
***
Các Bài Họa:


Bên đời độc bước một mình thôi
Tri kỷ sao thư chẳng thấy hồi
Tụ tán bèo mây ôi định mệnh
Tôi

Kim Phượng
***
Lắng lòng chiêm nghiệm phút giây thôi
Mở rộng từ bi thiện sẽ hồi
Mỉm nụ cười sen soi chiếu diệu
Tôi

Kim Oanh
***
Và Một Khổ Cuối


Trường thiên Yết Hậu tựa là Tôi
Hạnh phúc tìm trong vận khứ hồi
Cảm mến song Kim cùng xướng họa
Thôi!

Cao Linh Tử
24/7/2017



Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Kim Phượng Chúc Mừng Sinh Nhật Anh Song Quang

Chúc mừng sinh nhật anh Song Quang


Thơ : Kim Phượng
Tranh: Kim Oanh


Xướng Họa Tháng Sáu Độc Hành


Bài Xướng:
( Trích từ bài thơ Tháng Sáu Độc Hành)

Một kiếp phù sinh mộng chửa thành
Tàn hương cuộn khói sợi mong manh
Bờ mi lệ ướt chưa nguôi nhớ
Sương phụ bơ vơ bước độc hành

Kim Phượng
***

Các Bài Họa:

Không Đề

Nhân sinh số kiếp mộng không thành !
Làn khói hương đời cuốn mỏng manh
Giọt lệ thương thân tràn mắt ướt
Ai người tri kỷ bước song hành ???

Song Quang

***
Dạ Hành


Duyên nợ ba sinh đã chẳng thành
Hương tình phản phất quá mong manh
Cho nên,mắt ướt tràn mi lệ
Đêm gối chăn đơn mộng dạ hành

Song MAI Lý Lệ


Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Du Lịch - Allure Of The Seas - Caribbean Nov-2016


Allure Of The Seas - Caribbean Nov-2016

Passengers awaiting to board Allure of the Seas at Ft. Lauderdale cruise port, Florida Chuyến đi gồm 2 gia-đình (4 người). Bay từ Buffalo, NY. xuống Fort Lauderdale, FL. để lên tàu. Sau khi check-in xong, hành khách ngồi chờ để lần lượt lên tàu lúc 12 giờ trưa.


Allure of the Seas là một trong ba chiếc cruise ships lớn nhất cuả hãng Royal Caribbean, chở được 5000 hành khách và 2300 nhân viên phục vụ. Chiều dài 360m, trọng tải 225,000 Tons, trang bị 6 máy Wartsila combustion engines, chạy dầu HFO, công suất tổng cộng 130,000 HP. 


Tàu có kiến trúc khác hẳn với những tàu thông thường: tàu có khoảng trống ở giữa hình chữ nhựt , đứng trên tầng cao nhất ở Deck 16 có thể thấy công viên Central Park nằm ở Deck 8. Phía dưới Deck 8 là Promenade, được coi như là shopping center. Các hồ tắm và buffet restaurant được bố trí ở Deck 16. 

Thử so sánh với chiếc Titanic đóng cách nay một thế-kỷ, đã đi vào lịch sử như là chiếc du thuyền lớn nhất thời đó: trọng tải 46,328 Tons, dài 269 m, chạy bằng steam engines, công suất 46,000 HP, chở được 2,224 hành khách và 885 nhân viên. Như vậy, đẳng cấp cuả chiếc Titanic còn thua một chiếc cruise ship cở "nhỏ " hiện nay. Còn về tiện nghi thì rất "lạc hậu" so với tàu bây giờ.

Ăn sáng và ăn trưa ở Buffet restaurant Windjammer on Deck 16
Hành khách hoá trang, vui chơi, muá hát ở Promenade trong đêm Halloween

Tàu ghé port đầu tiên là COZUMEL, Mexico Cozumel là một hòn đảo nhỏ, dân chúng nghèo nàn, có lẽ thua xa đảo Phú Quốc ở VN. Gần bến tàu chẳng có gì hay ngoài những shops bán quần áo, đồ kỷ niệm

Aqua theater and Rock climbing wall at rear of the ship Phiá đuôi tàu ở Deck 5 có một rạp hát ngoài trời, có một hồ tắm nhỏ để trình diễn acrobatics nhảy từ trên cao xuống nước như show Ocean Aria.



Port thứ nhì là COSTA MAYA, Mexico Khu shopping ngay bến tàu rất lớn, mái nhà lợp tranh khá đẹp, có hồ tắm thông với biển


Stateroom # 8133 and Central Park on Deck 8 Phòng ngủ nằm cạnh Central Park, với cây cối thật, mỗi ngày có người chăm sóc, cắt tiả, tưới nước. Mỗi sáng ra đây, vô quán café lấy thức ăn, bánh trái ra ngoài công viên kiếm một cái bàn dưới tàng cây ngồi ăn thật thú vị. Ban đêm dưới ánh đèn lung linh, khung cảnh còn đẹp hơn.



Dining in Grand restaurant on Deck 4 Có 3 restaurants chính phục vụ ăn tối (miễn phí): Grand, Silk, American Icon. Thực đơn có nhiều món ăn để chọn lựa. Hành khách có thể chọn đi ăn một trong 2 xuất: 6 PM và 8:30 PM. Có một đêm, thực đơn có món tôm hùm, mỗi người 1 con, tuy nhiên ai muốn ăn thêm một con nữa, bồi bàn vẫn phục vụ. Ngoài ra còn nhiều restaurant nhỏ, sang trọng hơn, ăn phải trả tiền.

Promenade shopping center on Deck 5 Ở đây ngoài việc đi shopping, còn có nhiều cảnh đẹp để chụp hình. Mỗi đêm có professional photographer túc trực ở nhiều địa điểm then chốt để chụp hình miễn phí cho hành khách. Hôm sau họ sẽ post hình trên Photo shop, nếu hình đẹp mình muốn mua thì họ mới tính tiền.


Đây là một tiệm pizza ở Promenade. Mình lấy pizza làm sẳn ăn liền hoặc muốn order một cái pizza với những toppings theo ý mình nuốn thì chịu khó ngồi chờ chừng 15 phút sẽ có một cái pizza nóng hổi, miển phí. Ăn xong đi qua tiệm đối diện dùng café, trà, bánh ngọt, trái cây cũng miển phí luôn.

Kinh Luân
Cựu Học Sinh Nguyễn Thông Và Tống Phước Hiệp


Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Chu Trung - 舟中 - Huyền Quang Thiền Sư - 玄光禪師


Đất trời hòa một, trời là đất, đất là trời, không còn ranh giới giữa cõi Phật và nhân gian, chỉ có Chân Như trong sáng thôi.


舟中                     Chu Trung

一葉扁舟湖海客      Nhất diệp biển chu hồ hải khách
撐出葦行風慼慼      Sanh xuất vy hành phong thích thích
微茫四顧晚潮生      Vi mang tứ cố vãn triều sinh
江水連天一鷗白      Giang thuỷ liên thiên nhất âu bạch

玄光禪師            Huyền Quang Thiền Sư

Dịch Nghĩa: Trong Thuyền

Kẻ đang phiêu bạt biển hồ, ngồi trên con xuồng mong manh như chiếc lá
Chống xuồng qua đám lau, nghe tiếng gió buồn buồn rên rỉ
Bốn phía mịt mù, trong khi con nước buổi chiều đang lên
Giữa vùng trời và sông nước như liền nhau, xuất hiện một cánh chim hải âu trắng.

Diễn Ý:

Từ bài Thơ Thiền này, Quên Đi nảy sinh liên tưởng:
Đây có phải là chiếc Thuyền không đáy của Tiếp Dẫn Tăng, và người khách là thầy trò Đường Tăng? Rời bến Lăng Vân, bỏ lại phía sau chốn mê, Tiếp Dẫn Tăng đưa thầy trò Đường Tăng sang đất Phật.

Dịch Thơ:

Kẻ phiêu bạt ngồi trên xuồng nhỏ
Vượt ngàn lau trong gió thì thào
Chiều mờ con nước dâng cao
Giữa trời đất quyện hiện màu trắng âu.

Quên Đi
***
Trong Thuyền

Khách hải hồ trên thuyền bé nhỏ
Vượt ngàn lau lướt gió rì rào
Bốn bề mù mịt tràn dâng nước
Trời đất liền nhau hiện cánh âu

Kim Phượng



Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Pleiku Vào Hè - Thơ Lê Kim Hiệp - Diễn Ngâm Ân Nguyễn

Bảy ơi, bạn Bảy anh Ân Nguyễn diễn ngâm những dòng thơ Bảy, cùng em ghi lại những hình ảnh, một thời anh ở nơi vùng đất đỏ Pleiku. Quyên vào hương trầm nguyện cầu Bảy an bình trong tình Chúa.
(9Oanh)


Thơ Lê Kim Hiệp
Diễn Ngâm: Nguyễn Đức Tri Ân

Thực Hiện: Kim Oanh



Em Vẫn Còn Đây


(Kim Hiệp 3 tuổi núp sau lưng, Kim Phượng năm tuổi bồng Kim Hội 1 tuổi- Giồng Ké 1955)

Lời chúc mừng sinh nhật dành cho Em, vẫn còn đong đầy trang giấy. Vậy mà, Em đã thôi, không đọc nữa. Em đã ra đi vội vã quá, không một lời cuối, giã từ.
Cơn đau đã hành hạ Em trong những ngày cuối đời, nhưng không có dịp kéo dài thêm nữa, khi mi đã khép, trái tim biết yêu thương đã lắng đọng. Mọi người đã bảo nhau rằng, “ Ra đi như thế đã là hạnh phúc, vì thân xác không bị hành hạ lâu dài”. Tôi cũng muốn tin như thế, dù rằng trái tim như cứa máu.

Em ra đi để lại cho tôi những hình ảnh đậm nét về Em, từ lúc còn khóc nhè, lúc cùng chung ngưỡng cửa Trung học, chí đến những ngày cuối tháng Tư.
Năm 2011, lần cuối cùng hai chị em sống bên nhau, hơn một tháng trời, nơi mảnh đất ngày xưa. Trong thời gian này, tôi có dịp nhìn ngắm Em kỹ hơn. Qua từng thời thăng trầm của đất nước, nhân dáng Em thay đổi rất nhiều, nhưng điều duy nhất, tôi còn tìm thấy, sự tôn trọng chữ tín và lòng nhân ái nơi Em. Dù không còn là chàng Không quân hào hoa hay một Hướng Đạo Sinh đầy nhiệt huyết. Nhưng trong tôi, Em sống đúng và giữ vững biểu tượng “đúng hướng” của loài hoa Bách Hợp mà một Hướng Đạo Sinh phải có. Tính cỡi mở, sự đôn hậu và biết nghĩ đến người khác hơn bản thân mình, tất cả vẫn y nguyên trong lòng chị.
Một điều tôi lấy làm hãnh diện là được sinh ra, lớn lên cùng một cội với Em. Má chúng tôi, lúc sinh thời, thường hay nói với các con rằng “Phước đức ông bà mình lớn lắm, trải qua bao thời chạy loạn mà các anh chị em con vẫn còn đầy đủ”.

Bây giờ bình yên rồi mà! Vậy mà tôi đã mất Em. Mười anh chị em, tự dưng mất đi một. Tôi cảm thấy hụt hẫng, như có một hố sâu chia cách giữa 10 anh chị em chúng tôi. Một hố sâu, muốn cúi xuống kiếm tìm Em, nhưng không được, muốn lấp đầy lại cũng không xong. Trước mặt mọi người và các Anh chị em, tôi can cường lắm, nhưng trong giây phút này đây, ngồi một mình, những giọt nước mắt âm thầm trào tuôn.
Bài viết trước đây của tôi, bài “Em Tôi”, viết cho Em, chung vui với nỗi vui từ ngày Em bước chân vào đời và hôm nay những dòng chữ này...viết cho Em, một người đã vĩnh viễn ra đi. Đời sống của Em, ngắn hơn các anh chị em chúng mình, nhưng em sống có ý nghĩa. 
Đó là một đời sống dài! 
Nguyện cầu Em thanh thản rời khỏi cuộc đời này...
Em đi về đâu!?
Đưa Em vào huyệt sâu...
Rời các anh chị em, nhưng Em được đoàn tụ với Ba Má chúng mình.

Đời thuyền cuối bến biệt ly
Thoáng như giấc mộng nẽo đi cõi bồng
Đường trần vướng lắm bụi hồng
Trở về bên cát lượn vòng hóa thân
Ừ Em đi cũng một lần
Nhìn theo bóng chiếc bâng khuâng nhớ về 

Kim Phượng
11.8.2017
Một Năm Sau ngày xa Em


Thơ Tranh: Phố Núi Cao Nguyên

Mến tặng hương hồn nhà thơ Lê kim Hiệp
Bào đệ cũng là bào Huynh của KimPhượng&KimOanh


Thơ: Song Quang
Thơ Tranh: Kim Oanh

Lời Cảm ơn: 
Kim Phượng Kim Oanh thay mặt gia đình chân thành cảm ơn anh Song Quang đã dành cho Em, anh trai Lê Kim Hiệp tình cảm đặc biệt này. Nơi Thiên Đàng chắc Hiệp sẽ vui và ấm lòng.
Kính mến

Kim Phượng, Kim Oanh

Tình Anh


Thắp lên ngọn nến nguyện cầu
Tiễn người anh đã năm đầu nghỉ ngơi
Buông phiền muộn đón thảnh thơi
Nhà Chúa an hưởng cuộc đời bình yên!

Gửi lòng em một chút riêng
Chấp lời thơ tưởng ghé miền Pleiku
Nơi anh thương nhớ tình ru
Ngủ ngon anh nhé thiên thu giấc nồng!

Kim Oanh
11/8/2017

Thơ Tranh: Vòm Trời Kỷ Niệm


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Mến Tặng Kim Oanh


Kim Oanh thật dễ thương!
Khi còn học ở trường,
Đã tỏ ra rộng lượng;
Chăm học để làm gương.

THẠCH TRONG(HĐN)

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Hè Nầy Vắng Phượng


Giữa hè rộn tiếng ve kêu
Nhìn quanh không thấy dáng kiều năm xưa
Nhớ khi tan lớp chiều trưa
Nàng qua trước ngõ, gió đưa cánh hồng

Nguyễn Cao Khải


Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Haiku 69 - Đêm Mưa


Haiku 69

mưa rơi
rả rích đêm trường
mẹ ru

dovaden2010-25/6/2017
***

Thơ Cảm Tác:

Đêm Mưa

Tí tách
Lắng tiếng mưa đêm
Khóc mẹ

Kim Phượng

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Lời Khuyên Của Đức Đạt Lai Lạt Ma


“Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau, qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta đâu? Suy luận rằng: “vạn vật đồng nhất”, ta sẵn sàng " tha thứ " cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình; vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu! Khi ta hiểu rằng: “nhất bổn tám vạn thù”, ta nhìn vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng đế ngự ở trong, ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thương đến muôn loài."

Kim Phượng Sưu Tầm

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Lời Tình Mực Tím



Lời Tình Mực Tím


Đàn lòng buông phím cung lơi
Mượn dòng mực tím mồng tơi tự tình
Đêm khuya lẻ bóng tường in
Gọi hồn lưu bút hương trinh học trò
Gom yêu con chữ nhỏ to
Trao câu luyến ái hẹn hò mai sau
Tràn tuôn mực tím xôn xao
Bồi hồi vương vấn rót vào vuông thơ
Thời gian nhạt tím xa mờ
Bên trời xứ lạ bơ vơ mộng về

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Mực Tím Tỏ Tình
(Dựa vào ý thơ"Lời Tình Mực Tím "của Kim Phượng)

Thương dòng mực tím mồng tơi !
Một thời gợi nhớ buông lơi tỏ tình
Thơm mùi giấy mực nguyên trinh
Của ngày cắp sách dáng in học trò
Tan trường trao mắt hẹn hò
Mượn vần vay ý dặn dò ngày sau
Từng câu rót mật ngọt ngào
Làm vương vấn mãi đi vào lòng thơ
Thời gian bút tích có mờ ??
Dòng thơ mực tím chơ vơ hiện về.

Song Quang

7/'27/17
***
Tâm Tình Mực Tím

Thư tình không gởi mấy lời
Viết bằng mực tím mồng tơi tỏ tình
Thương thầm nhớ trộm đinh ninh
Mùi thơm phảng phất hương trinh học trò
Theo đòi đèn sách riêng lo
Ôn thi cuối khóa hẹn hò mai sau
Thơ tình mực tím nhớ trao
Thẹn thùng không dám nói sao rõ ràng
Để hoài cuốn vở mấy trang
Ước mơ có dịp sẽ sang tặng nàng!

Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 07 năm 2017

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Vũ Trụ


Vũ Trụ, (Universe) nói chung tất cả: trời, đất, tinh tú và vạn vật. Vũ trụ có đường kính khoảng 40 tỷ quang niên.

Đơn chất hay nguyên tố (Element) đều có một cơ cấu đơn giản là Proton (mang dương diện tử); Electron (mang âm diện tử); Neutron (không có gì).
Âm điện tử (Electron): hạt nguyên tố, thành phần cấu tạo cơ bản của vật chất, mang điện tích âm; đường kính là 1/10x15 mm. Nếu nguyên tử trống thì ta phải đổ một triệu tỷ âm điện tử mới đầy.
Dương điện tử (Proton): hạt nguyên tố mang điện tích dương; nó là một Baryon nhẹ nhất và bền nhất; về lượng nó có một điện tích bằng điện tích của điện tử.
Trung hòa tử (Neutron):một hạt nguyên tố không có điện tích, nó lớn hơn Proton một chút.
Nguyên tử (Atom) là thành phần nhỏ nhất của một nguyên tố; nó có những đặc tính hóa học của nguyên tố; nó gồm có một hạch nhân mang tính chất hòa hợp của Neutron, Proton và một hay nhiều Electron gắn bó vời hạch nhân nhờ sừc hút của điện. Con số Proton xác định đặc tính của nguyên tố.
Phân tử (Molecule) là đơn vị vật lý nhỏ nhất của nguyên tố hay hợp chất, gồm có một hay nhiều nguyên tử giống nhau trong một nguyên tố và hai hay nhiều nguyên tử khác nhau trong một hợp chất.
Nguyên tử đổi ra phân tử mất 1/10x15 giây.
Tinh vân (Nebula) là một nhóm sao họp lại, hình ảnh lờ mờ không rõ.
Thiên hà (Galaxy) là một hệ tinh tú lớn, kìm lại với nhau bởi sức hút hỗ tương. Ta đã khám phá ra được khoảng 100 triệu thiên hà. Mỗi thiên hà cách nhau khoảng 2 triệu quang niên (Một quang niên là 10 ngàn tỷ cây số). Mỗi thiên hà có khoảng từ 1000 đến 2000 tỷ sao; đường kính của mỗi thiên hà là khoảng 300 ngàn quang niên. Thiên hà Andromeda cách ta 1 triệu 500 ngàn quang niên. (Viễn vọng kính Hubble khám phá ra một thiên hà cách ta 14 tỷ quang niên.)
Ngân hà (Milky Way) là một thiên hà hình xoắn ốc, nằm vắt ngang bầu trời, trông giống như một con sông bạc. Có 1000 tỷ sao, dầy 100 ngàn quang niên, nhân 60 ngàn quang niên; xoay một vòng là một tỷ năm.
Sao (Star) xuất hiện như một điểm sáng cố định trên bầu trời vào ban đêm.
Ta mới phát hiện ra một ngôi sao nổ từ trước khi có thái dương hệ; và một sao mới xuất hiện được một triệu năm.
Sao gần ta nhất (Centaurus); cách ta 4 quang niên 3.
Sao lớn nhất (Epsilon Aurigae):đường kính 3 tỷ cây số.
Mặt trời (Sun), trung tâm của thái dương hệ. Đường kính:1.485.600 km; lớn hơn trái đất:1.300.000 lần; cách trái đất: 148.000.000 km; cách tâm Ngân hà:20.000 quang niên; nhiệt độ ở vòng ánh sáng: 100 triệu độ, và cách trái đất khoảng 400.000 km là 200.000 độ; tuổi: 4 tỷ 600 triệu năm; cứ 150 tỷ năm thì nó mất đi 1\100 nhiên liệu; vậy khoảng 15.000 tỷ năm nữa thì mặt trời sẽ tắt hẳn.
(Mặt trời mọc sớm nhất vào ngày:15 tháng sáu lúc 4:31 AM; muộn nhất vào ngày 10 tháng giêng lúc 7:22 AM. Mặt trời lặn sớm nhất vào ngày 14 tháng mười hai lúc 4:35 PM; muộn nhất vào ngày 1 thàng bảy lúc 7:30 PM.
Sao chổi (Comet), một thiên thể chuyển động quanh mặt trời; nó gồm có một khối trung tâm, bao quanh bởi bụi cát và hơi làm thành cái đuôi. (Sao chổi Halley có chu kỳ: 76 năm. Sao chổi Cohoutek có đuôi dài 100 triệu cây số; chu kỳ: 75 ngàn năm.
Hành tinh (Planet), một thiên thể lớn , vận hành quanh mặt trời, tỏa sáng nhờ ánh sáng phản chiếu.
Trái đất (Earth), hành tinh xoay chung quanh mặt trời; tuổi : 4 tỷ 500 triệu năm; đường kính: 13.000 cây số; bay với tốc độ: 29km\ giây; phải mất 1 tỷ 500 triệu năm mới nguội. Khổng long đã xuất hiện cách đây 150 triệu năm; con người khoảng 6 triệu năm. ( Viễn vọng kính Kepler mới khám phá ra một hành tinh giống trái đất, ở cách ta 600 quang niên.)
Vệ tinh (Satellite), một vật thể tự nhiên, vận hành quanh một hành tinh.
Thiên thạch (Meteorite), một khối đá hay kim loại từ ngoại tầng không gian đụng vào trái đất.
Vũ trụ có thể khởi đầu bằng những hạt nguyên tố dương điện tử, âm điện tử và trung hòa tử. Những hạt nguyên tố này kết hợp với nhau thành các nguyên tử tản mát đều khắp không gian vô tận; rồi các nguyên tử kết hợp với nhau thành các phân tử. Trải qua hằng tỷ tỷ năm, các phân tử nhỏ bé này kết hợp với nhau thành những khối cầu khổng lồ. Vì sức giồn ép bên trong quá mạnh, các khối cầu khổng lồ này đã phát nổ làm tung ra hằng tỷ những khối cần nhỏ hơn. Đến lượt những khối cầu nhỏ này nổ, tạo ra các thái dương hệ, và hằng tỷ thái dương hệ đã tạo thành các thiên hà hiện có ngày nay.
Theo các nhà khoa học: trong số hằng tỷ thái dương hệ của mỗi thiên hà chắc chắn đang có hằng tỷ hành tinh, nơi có không khí và nước như trái đất của chúng ta, nghĩa là ở đó cũng có những điều kiện để các sinh vật có thể tồn tại và phát triển được. Do đó ta có thể nêu ra hai giả thuyết: một là trên các địa cầu đó đang có các sinh vật và con người như trên trái đất của chúng ta; nếu vậy chúng ta phải tìm hiểu nền văn minh và lịch sử của họ; hai là ở tại những nơi đó chỉ có nước và không khí; trong trường hợp này chính chúng ta là những người phải mang sự sống đến các nơi đó.( Giả thuyết này có cơ sở để chúng ta tin rằng một ngày nào đó trong tương lai, tuy còn rất xa nhưng có thể xảy ra được, là những thế hệ mai sau sẽ khám phá ra những địa cầu trong dải Ngân hà, và trong các Thiên hà khác nữa.
Phải mất hơn 6 triệu năm con người mới lên tới mặt trăng; nhưng với khoa học tiến bộ như ngày nay, chúng ta hy vọng công việc đổ bộ lên một địa cầu khác trong vũ trụ sẽ xảy ra sớm hơn thời gian đó.) Ngoài ra mặt trời, nguồn sức nóng chánh cho mọi sinh vật trên địa cầu, còn rất trẻ, mới có 4 tỷ 6 trăm triệu năm, mà tuổi của nó là 15 ngàn tỷ năm!
Trở về trái đất của chúng ta. Sau khi nó đã nguội đủ để hơi nước trong bầu khí quyển bao quanh địa cầu có thể tạo thành những lớp mây dày đặc, kế đó là những trận mưa xối xả, ngày đêm đổ xuống mặt đất.Sau khi nhiệt độ trên mặt địa cầu đã ổn định thì ở dưới nước phát sinh ra các đơn bào, đa bào, rong, rêu rồi đến các động vật không xương sống như tôm, tép, sò, hến; kế đến các loại cá… Trên dất cũng phát hiện rêu, mốc, nấm,rau, cỏ, cây cối; rồi đến các loại động vật không xương sống như sâu, bọ, giun, dế; tiếp theo là các loại chim và các loại động vật khác nữa; con người đưọc coi như là đã xuất hiện sau cùng…
Biến loại hay biến dị (Variation), loại mới sinh, hóa ra khác với tính chất của loại cũ. Nó là một sự khác biệt hay xa rời trong cấu trúc hay cá tính với những cấu trúc hay cá tính khác của cùng một loài hay một nhóm.
Biến hình luận (Transformism), thuyết về động vật học cho rằng nhiều loại động vật và thực vật sẽ thay đổi hình dạng và tính chất thành những loại mới khác, do ảnh hưởng của sự sống, luôn luôn muốn thích ứng với hoàn cảnh; như vậy, những động vật sinh sống hiện nay đều là những biến hình của nhiều loại cổ sơ đã thay đổi dần dần và không ngừng.

Biến hóa hay đột biến luận (Theory of mutation), sự rời khỏi đột ngột từ nhóm điển hình mẹ thành một hay nhiều đặc tính có thể di chuyền tạo ra bởi sự biến đổi trong gen hay nhiễm sắc thể. Sự rời khỏi này có thể làm cho động vật này biến loại thanh động vật khác; sự biến hóa trên cũng có thể tự nhiên hay nhân tạo. 

THẠCH TRONG (HĐN)




Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Cảnh Đêm


Trăng soi bóng liễu ngỏ hoa tường
Trong suốt hồn trong hoa ngậm hương
Lữ khách ngập ngừng xao xuyến lạ
Giật mình đêm tiếng nhạn kêu sương

Kim Phượng

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Dạ Sầu


Bài Xướng: 

Dạ Sầu

Vò võ tơ sầu quạnh quẽ đêm
Lai rai mấy chén đã say mèm.
Nhẹ nhàng chiếc lá buông trên mái,
Lấp lánh sao khuya rụng trước thềm.
Tri kỷ người đi biền biệt mãi,
Mái đầu sương nhuộm não nề thêm.
Trăng tà chênh chếch gà eo óc,
Ngoài ngõ ai về nhẹ bước êm.

Mailoc
( Nhớ Quang Tuấn )
7-7-17
***
Bài Họa:

Dạ Sầu

Não nùng bóng chiếc mịt mù đêm
Thơ thẩn nhìn quanh cảnh cũ mèn
Xào xạc lá reo từ vạn nẽo
Ào ào gió rít khuấy bên thềm
Tuổi đời chồng chất ê chề quá
Sương tuyết nhuộm pha áo não thêm
Định mệnh lá lay người mỗi ngã
Thả tơ lòng vỗ giấc ru êm

Kim Phượng