Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Nước Mắt


Bài Xướng:


Nước Mắt

Não nùng mấy nhánh sông trôi
Hay em mắt ướt giữa đời quạnh hiu
Chiều lên, chiều ngẩn ngơ chiều
Tôi ngơ ngẩn nhặt cánh diều ướt mưa

Trần Bang Thạch
***
Các Bài Họa: 

Nước Mắt

Nghiệt oan bể mắt dòng trôi
Thuyền tình lặn hụp cảnh đời hắt hiu
Buồn ngơ buồn ngẩn ơi chiều
Hồn xơ xác thể như diều gặp mưa

Kim Phượng
***
Lạc Bến

Hồn lạc xa bến nước trôi
Tấp bờ phiền muộn vướn đời buồn hiu
Sợi nắng héo hắt cuối chiều
Không đủ sưởi ấm ta diều đẵm mưa

Kim Oanh
***
Mắc Mưa


Thời gian nghiệt ngã cứ trôi
Sóng tình xô đẩy cuộc đời buồn hiu
Chiều đi ngơ ngẩn từng chiều
Tơ lòng tan tác thả diều mắc mưa !

Song Quang
***
Bong Bóng Nước


Lênh đênh bong bóng nước trôi
Tựa tình si cũ quãng đời hắt hiu
Rơi rơi từng giọt đưa chiều
Trái tim lạnh giá như diều trong mưa.

Quên Đi
***
Vẫn Yêu Vẫn Nhớ Người Thôi


Tình như vận nước nổi trôi
Giọt yêu mang đến cho đời hiu hiu
Dù rằng tuổi đã về chiều
Nhưng lòng vẫn trẻ như diều gặp mưa.

Lý Tòng Tôn (7/2017)
***
Nước Mắt

Đời dài một mảng trôi trôi
Chậm vành mắt mỏi gói đời quạnh hiu
Hoàng hôn đọng mảng sương chiều
Dòng khô ngược mảng gió diều bứt dây

Nguyễn Đắc Thắng
***
Các Bài Cảm Tác:

Nhớ


Lặng nhìn sông nước mây trôi
Quê người thu tới bên trời đìu hiu.
Làm sao quên được buổi chiều
Mắt xưa nhoà nhạt lệ nhiều hơn mưa!

Mailoc

***
Chiều

Mắt nhìn biền biệt sông trôi,
Não nùng nhớ dáng ai ngồi quạnh hiu.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ người mưa ướt một chiều ướt mưa!

Đỗ Chiêu Đức
***
Ngẩn Ngơ...


Sông thương bèo dạt hoa trôi
Mây đen rớt hạt đứng ngồi buồn hiu
Thiết tha tha thiết buổi chiều
Ngẩn ngơ lại tiếc con diều sũng mưa

Mai Xuân Thanh
***
Đời


Phận người như chiếc thuyền trôi
Dòng sông lờ lững, dòng đời hắt hiu
Chiều qua rồi lại qua chiều
Trong lay lắt nắng, trong dìu dặt mưa.

Phương Hà
***
Nhớ Bậu


Nhìn trời mây trắng vẫn trôi!
Nhớ người vừa bước vào đời hẫm hiu
Chiều về chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ bậu những chiều ngắm mưa

Song MAI Lý Lệ


Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Mến Tặng Kim Xuyến


Kim Xuyến thích phượng đỏ;
Việc nhà một mình lo;
Tiền bạc,vấn đề nhỏ!
Tình nghĩa mới là to!


THẠCH TRONG (HĐN)



Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Vườn Ai


Vườn nhà vắng mặt người chăm sóc
Lý trắng đào hồng tự nở hoa *
Một đóa đầu mùa khoe sắc thắm
Ngạt ngào hương đấy ai vừa qua

Kim Phượng
* Thơ của Trúc Lâm Đại Sĩ tức vua Trần Nhân Tông

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Hạ Đắng - Hạ Tàn


Hạ Đắng

Nghe nỗi nhớ ùa về quay quắt
Héo hắt chiều... héo hắt bờ môi…
Mịt mù thưở bước chung đôi…
Người ơi, tội lắm tim côi! Nhói lòng...

Một mình ta ngồi trong quán vắng
Nhấm nháp từng giọt đắng thấm môi
Tình đời đen bạc, đãi bôi...
Chiều dâng... mây tím xa trôi cuối trời…

Khép mắt lại... giọt rơi, giọt ứa...
Hạ tàn…! Còn đâu nữa… người xưa...
Lạnh lùng... gió thoảng song thưa...
Nâng niu giá buốt giọt mưa... vô tình!

Dovaden2010-04/7/2017
***
Cảm Tác:

Hạ Tàn

Quay quắt nhớ cành mềm phượng rũ
Mái trường xưa bóng cũ người thương
Xa rồi thuở bước chung đường
Trông nhau lần cuối đại dương đôi bờ

Hồn hoang đảo hững hờ vạt nắng
Giọt chia ly đăng đắng bờ môi
Luyến lưu khoảnh khắc bồi hồi
Chiều dâng mây tím tim côi não nề

Phương trời cách hương thề đâu nữa
Rèm mi chờ lệ ứa khát khao
Như trang giấy mới ngọt ngào
Bâng khuâng gửi nhớ nỗi đau hạ tàn

Kim Phượng



Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Lâm Giang Tiên - 臨江仙 - Dương Thận - 楊慎


滾滾長江東逝水      Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy,
浪花淘盡英雄          Lãng hoa đào tận anh hùng.
是非成敗轉頭空      Thị phi thành bại chuyển đầu không.
青山依舊在              Thanh sơn y cựu tại,
幾度夕陽紅              Kỷ độ tịch dương hồng.
白髮漁樵江渚上      Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
慣看秋月春風         Quán khan thu nguyệt xuân phong.
一壺濁酒喜相逢     Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
古今多少事             Cổ kim đa thiểu sự,
都付笑談中.            Đô phó tiếu đàm trung!

ChúThích:

1. Đông Thệ Thủy: Thệ là Mất, là Chết. Thệ Thế 逝世 là Từ trần. Nên Đông Thệ Thủy 東逝水 là Nước chảy mất hút về hướng đông không trở lại.
2. Đào Tận: là Đào thải hết, đào thải sạch sẽ không chừa ai cả.
3. Chuyển Đầu: là Quay đầu nhìn lại, chỉ thời gian rất nhanh.
4. Bạch Phát: Tóc trắng, chỉ người già.
5. Ngư Tiều: là Ngư Ông và Tiều Phu.
6. Chử: là Bãi nước, là Bến nước, là Cồn ở giữa sông.
7. Quán Khan: đã quen nhìn, đã thường thấy.
8. Thu Nguyệt Xuân Phong: chỉ Thời gian lần lựa, hết thu nguyệt thì tới xuân phong và ngược lại.
9. Trọc Tửu: không phải là rượu dơ, mà là rượu thường của giới bình dân uống thường ngày, chưa được tinh chế chắc lọc.
10. Phó: là Phó mặc, là mặc cho.

Nghĩa Bài Từ:

Sông Trường Giang sóng xô nước cuốn cuồn cuộn chảy về biển đông rồi không bao giờ còn trở lại nữa.
Cũng như biết bao anh hùng hào kiệt đều như hoa sóng kia tan biến biệt tăm và chịu đào thải theo dòng lịch sử.
Bất luận là thị hay phi, là đúng hay sai, là thành hay bại, trong chớp mắt quay đầu nhìn lại thì đã không còn gì nữa.
Chỉ có núi xanh vẫn như cũ đứng trơ gan cùng tuế nguyệt và nắng chiều vẫn biết bao lần hồng lên rồi chợt tắt.
Những ông lão đốn củi và đánh bắt cá trên bến nước, họ đã quen rồi với thu nguyệt rồi lại xuân phong, thời gian cứ thế trôi đi.
Nên khi gặp nhau thì cứ cùng vui với nhau bên chung rượu lạt.
Biết bao nhiêu là chuyện lớn chuyện nhỏ trên đời nầy từ xưa đến nay.
Chẳng qua cũng chỉ là những chuyện nói cười trong lúc nhậu, là chuyện phiếm chuyện gẫu khi trà dư tửu hậu của người đời mà thôi !

Dịch Thơ:

Lâm Giang Tiên

Trường giang cuồn cuộn nước về đông,
Sóng xô đào thải hết anh hùng.
Thị phi thành bại quay đầu : hết!
Núi xanh vẫn còn đó,
Bao lượt nắng chiều hồng.
Ngư tiều đầu bạc trên sông nước,
Đã quen rồi thu nguyệt với xuân phong,
Một bầu rượu lạt thắm tình nồng,
Xưa nay bao thế sự,
Cười nói cũng như không!

Lục bát:

Trường Giang cuồn cuộn về đông,
Anh hùng như sóng theo dòng trôi xuôi.
Thị phi thành bại trên đời,
Quay đầu là hết núi đồi còn đây.
Núi xanh sừng sửng tháng ngày,
Hoàng hôn mấy lượt thêm dài hoàng hôn.
Ngư tiều đầu bạc ven thôn,
Trên dòng sông nước vùi chôn tháng ngày.
Một bầu rượu lạt ngà say,
Cổ kim thế sự nào ai có lòng?
Nói cười nhấp rượu như không!

Đỗ Chiêu Đức.
***
Tiên Trên Bến Sông

Trường Giang sóng dữ cuộn xuôi đông,
Chiến sĩ anh hùng thác mạng vong.
Thành bại thị phi ai có biết,
Non xanh nước biếc nắng chiều hồng.

Tiều phu đốn củi nay đầu bạc,
Bắt cá ngư ông tóc trắng bông
Mấy độ xuân phong thu tuế nguyệt,
Bạn già cạn chén rượu ngon nồng.

Hàn huyên thế sự ngoài tai bỏ,
Say khướt cười khà rốt cuộc không!
Tam quốc ngày xưa nhiều dũng tướng,
Khổng Minh, Mã Ý thuộc nằm lòng...

Mai Xuân Thanh
*** 
 Từ : Khúc Sông Dài

Sông dài nước đổ về đông
Sóng xô vẫn cuộn anh hùng thải đi
Còn gì phân rõ thị phi
Bại thành được mất cũng về biển khơi
Núi xanh vẫn đứng giữa trời
Ráng hồng vẫn cuốn chiều trôi lặng lờ
Ngư tiều bên bãi bạc phơ
Thu đi xuân đến vẫn vơ tháng ngày
Gặp nhau thù tạc cùng say
Mặc cho thế sự loay hoay nhọc nhằn
Có không … cười nói chả màng!

Nguyễn Đắc Thắng 170626
***
Khúc Lâm Giang Tiên

Cuồn cuộn Trường Giang mãi xuôi đông
Anh hùng khác chi bọt sóng
Hơn thua sai đúng cũng bằng không
Non xanh vẫn như cũ
Mấy lượt ánh dương hồng
Trên bến tóc ngư tiều bạc trắng
Đã quen trăng gió xoay vòng
Rượu lạt một bầu vui gặp gỡ
Xưa nay bao nhiêu chuyện
Mặc kệ cứ đùa bông.

Quên Đi
***
Lâm Giang Tiên

Hướng về đông Trường Giang cuồn cuộn
Sóng xô bao lớp anh hùng
Có sá chi đúng sai thành bại
Núi còn đó vẫn xanh
Ánh tà dương mấy độ
Ngư tìều trên bến phơi tóc trắng
Quá quen trăng gió vòng xoay
Mượn rượu đục mua vui gặp gỡ
Thế sự đời đã trải
Há cớ mãi có không!

Kim Phượng
***
Lâm Giang Tiên

Mải miết đông Trường Giang cuồn cuộn,
Bao anh hùng sóng cuốn tan thương.
Đúng sai, thành bại khói sương,
Non xanh còn đó, tà dương những chiều.
Trên bến sông ngư tiều tóc trắng,
Khi xuân nồng, khi ngắm trăng thu.
Tương phùng rượu đục lu bù
Nhẩn nha kim cổ, phàm phu khề khà.

Mailoc phỏng dịch.
***
Bạn Già Trên Bến Sông

Sông mãi trôi hoài xuôi hướng đông
Vùi chôn bao số phận anh hùng
Đúng- sai, thành - bại đều tan biến
Núi vẫn còn xanh, nắng nhạt hồng
Đôi bạn ngư tiều không bận trí
Một chung rượu nhạt cứ xoay vòng
Khề khà câu chuyện trong trời dất
Tất cả qui về một chữ KHÔNG!

Phương Hà
***
Vui Theo Sông Nước

Sóng xô cuồn cuộn nước về đông,
Cuốn hết anh hùng lẫn chí hùng.
Thành bại đúng sai đều mất hút,
Thị phi đắc thất cũng thành không.
Ngư Tiều đôi bạn vui sông nước,
Trà rượu bao chung nhắp chuyển vòng.
Chiều tắt chiều tà chiều lại tắt,
Hoàng hôn biết mấy độ vương hồng!

Đỗ Chiêu Đức
***
Tình Bạn Ngư Tiều

Sông nào cũng chảy hướng về Đông
Số phận chôn đi lắm kẻ hung
Thành bại,khen chê do chính kiến
Đúng sai, tốt xấu kể như không
Ngư Tiều trà rượu cùng chung nhắp
Ôi bạn thay phiên cứ chuyển vòng
Trăng gió chuyện trò quên thế sự
Thời gian chẳng nhạt được tình hồng

Song Quang
***
Chén Rượu Nồng

Cuồn cuộn Trường Giang xuống biển đông
Anh hùng hào kiệt xác phiêu bồng
Thị phi thành bại sai chưa đúng
Phải trái hơn thua được mất không

Tuế nguyệt non xanh cây cỏ biếc
Thời gian mai sáng ánh dương hồng
Tiều phu ngư phủ quen thân lắm
Tri kỷ bên nhau chén rượu nồng

Mai Xuân Thanh
Ngày 28 tháng 06 năm 2017

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Một Lớp Khó Dạy


Năm 1963, tôi được một người quen giới thiệu vào dạy tại trường Nguyễn Bá Tòng Saigon; đầu tiên tôi phụ trách môn Anh văn cho hai lớp Đệ tam nữ. Một buổi sáng thứ bảy vào đầu tháng chín năm đó; tôi được Cha Chính làm giám học, mời vào văn phòng, ngài nói:
_Tôi muốn nhờ thầy dạy Anh văn sinh ngữ nhì cho lớp Đệ nhất nam của trường. Về khả năng tôi không giám nói, nhưng thầy trẻ như vậy không biết có thể điều khiển lớp đó được không?
_Xin Cha cứ để con dạy thử xem sao, tôi mỉm cười trả lời.

Về nhà, tôi thắc mắc: tại sao khai giảng được hơn một tháng rồi, mà lớp này chưa có giáo sư dạy Anh văn? Tò mò tôi hỏi thầy Đạo, thơ ký văn phòng, lo việc xếp giờ của trường; thầy cho biết:
_Bí mật, thầy nói, một mình giáo sư biết thôi nhé! Đã mấy thầy phải bỏ lớp này rồi: nó phá quá không dạy nổi!
Buổi dạy đầu tiên cho lớp đó, tôi còn nhớ, là vào sáng thứ hai. Hôm ấy, tôi vừa bước vào lớp,nghe tiếng hô thật lớn: “Nghiêm”; cả lớp đứng theo “nghi lễ chào Quốc kỳ”; tôi thầm nghĩ, mình đã cưỡi lên lưng cọp! Liếc qua mấy bàn đầu, tôi thấy có mấy học sinh để ria (kiểu người lớn). Tôi giơ tay ra hiệu, nói:
_Mời các bạn ngồi xuống! Thấy tôi đổi cách xưng hô, cả lớp có vẻ bỡ ngỡ, mọi người im lặng.
_Hôm nay tôi đến đây để giúp các bạn trau giồi môn Anh văn, trước tiên tôi yêu cầu các bạn một điều: trong kỳ thi Tú tài hai tới, tôi mong các bạn sẽ cố gắng, nếu không đậu vì môn Anh văn thì đừng ai rớt vì môn này! (Trong lúc đó, nhìn ra cửa, tôi thấy Cha Hiệu trưởng và Cha Giám học lảng vảng ngoài hành lang; có lẽ các ngài muốn biết tình hình lớp tôi đang dạy ra sao, có ổn không?).

Tôi còn nhớ lớp Đệ nhất hồi đó, cuối niên khóa, thi Tú tài hai, các thí sinh phải vào vấn đáp về môn ngoại ngữ nhì.
Tôi vừa ngồi vào bàn, quạt trần bắt đầu mở, giẻ lau bảng và bụi phấn bay khắp phòng!
( Hệ thống quạt và đèn tại các lớp học của trường đều do văn phòng của Giám học tắt và bật…Có học sinh nào đó đã lau bảng và đặt giẻ lau trên các cánh quạt.)
Cả lớp cười ồ ! Tôi đứng lên, liếc mắt nhìn từng dẫy bàn, rồi thản nhiên nói:
_Các bạn ai cũng biết rằng, đây là năm cuối cùng ban trung học của các bạn; sang năm các bạn sẽ là các sinh viên đại học: đàng khác, đối với trường, các bạn là lớp đàn anh, chắc các bạn ai cũng muốn mình là gương mẫu cho các lớp đàn em ở dưới phải không? Vậy tôi xin các bạn đừng làm gì để phải mất cảm tình đối với nhà trường nói chung, và nhất là đối với ban Giám hiệu nói riêng. Nói xong tôi về bàn, lấy sách và phấn , đi về phiá bảng đen, bắt đầu giảng bài.
Bài đầu tiên tôi giảng cho lớp là “Lesson one” của cuốn sách nhan đề “Direct Method”. Bộ sách này có hai tập nhỏ:”Part One” và “Part Two”, mỗi tập có mười bài ngắn; mỗi học kỳ phải học hết một tập. Đây là tài liệu do Bộ Giáo Dục chọn cho các thí sinh thi Tú tài hai vào vấn đáp.
Trong lúc giảng bài tôi thấy những học sinh ngồi hàng ghế đầu có vẻ chăm chú nghe và ghi chép cẩn thận; nhưng mấy học sinh ngồi ở cuối lớp, tỏ vẻ lơ là, không chú ý lắm! Một vài em, mắt giả vờ nhìn vào sách, nhưng tay lại chuyển giấy chơi“carreau” với nhau! Tôi cho rằng, mấy em này trước đây đã có học thêm Anh văn rồi; nên vào giờ chơi giữa buổi, tôi ở lại nói chuyện với các em và được biết: có em đã học ba bốn năm tại các trung tâm Anh ngữ ở ngoài.
Về nhà tôi mới nghĩ ra, lý do tại sao mấy thầy dạy trước đã phải chịu thua, không dạy nổi lớp này: các học sinh lớp này kiến thức Anh văn không đồng đều; nếu dạy theo sách giáo khoa thì những học sinh trình độ cao sẽ ngồi chơi; mà dạy ra ngoài bài bản thì những em mới học sẽ ngáp ngủ! Vì thế tôi đổi “chiến thuật”: yêu cầu mỗi học sinh phải có một tập ghi chép ngữ vựng và ngữ pháp; tôi sẽ căn cứ vào đó để kiểm tra, cho điểm vấn đáp hằng tháng; và trong quá trình giảng bài, khi gặp một ngữ pháp nào đặc biệt, tôi liền gọi mấy em ngồi bàn cuối lên bảng, cắt nghĩa cho cả lớp nghe. Từ đó mọi người trong lớp đều phải chăm chú học, vì sợ bị gọi lên bảng bất ngờ, không trả lời được thì “quê” với cả lớp!
Vào cuối giờ học hôm đó, tôi nói với lớp:
_ Chắc các bạn cho rằng tôi còn “ trẻ người non học” phải không? Vậy tôi sẽ cho các bạn một bài tập về ngữ pháp làm tại nhà, trong vòng một tháng; các bạn có thể tra cứu bất cứ tài liệu nào, hỏi bát cứ ai; bạn nào làm được, tôi sẽ cho học bổng một năm: khỏi phải đóng học phí cho trường. Cả lớp giơ tay nói:
_Xin thầy cho đề tài.
_Trước hết, để tuyển lựa, tôi cho các bạn một câu hỏi về nhà làm trong vòng một tuần; bạn nào làm đúng và nộp đầu tiên, tôi mới cho bài tập trên.
Kết quả là: sau một tuần, rồi hai tuần, đến cả ba tuần sau, cũng không ai trả lời được.
Từ đó trở đi không một học sinh nào trong lớp này dám coi thường giờ dậy của tôi nữa.
Đầu tháng khi tới phòng Cha Giám học lãnh lương, ngài nói với tôi:
_ Theo nhà trường thì thù lao môn phụ thấp hơn môn chánh, nhưng đối với thầy, thì nhà trường tính bằng môn chánh là 100$ một giờ.
_ Cám ơn cha, tôi mỉn cười trả lời.
_ Tôi hơi thắc mắc, ngài tiếp, không biết tại sao thầy mới vào dạy đây, mà không thua kém gì mấy thầy đã từng dạy cho trường cả chục năm rồi?
Lúc đó tôi cũng chỉ biết mỉn cười và nói lời cám ơn rồi ra về. (Tôi thầm nghĩ: phải chăng đây là thuật điều khiển theo từng trạng huống!)
Nếu tôi không lầm, thì đây là lớp Đệ nhất nam đầu tiên, cũng là lớp Đệ nhất nam cuối cùng của trường. Vì từ đó ban Giám hiệu chỉ mở lóp Đệ nhất cho nữ sinh mà thôi!

Vào khoảng năm 1970, trường đã đổi thành trường nữ; cũng là vì các nam sinh phá quá! Lấy thí dụ, trường hợp điển hình: vào những ngày trước tết Nguyên đán, các nam sinh thường đem pháo vào trường đốt; mặc dầu nhà trường đã ra thông cáo không được đem pháo vào trường; có lần tôi thấy ban giám thị và nhân viên của trường phải chặn các nam sinh ngay tại cổng trường để xét cặp, thế mà vẫn có học sinh đem được pháo lẻ đến lớp; rồi vào nhà cầu, buộc pháo vào thuốc lá, châm lửa để thuốc cháy dần cho pháo nổ; ban giám thị hành lang chịu thua, không sao tìm ra thủ phạm! Nếu tôi không lầm thì từ niên khóa 70-71, tất cả các nam sinh nào muốn theo học trường NBT Saigon đều phải chuyển sang trường NBT Gia định, và cha Công, nổi tiếng là “dữ đòn” được cử làm Giám thị bên đó.

THẠCH TRONG (HĐN)
Ảnh từ THẠCH TRONG (HĐN)

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Lần Cửa Khép - Nửa Hồn Hư Thực


Lần Cửa Khép

Hiên ngoài nặng hạt mưa sa
Sau lần của khép nhạt nhòa son môi
Tim còn đọng giọt bồi hồi
Giọt thương nức nở lòng côi đoạn trường

Kim Phượng
***
Nửa Hồn Hư Thực
(Phóng Tác Lần Cửa Khép Của Kim Phượng)

Như mờ qua lớp sương sa
Tóc mây buông thả lòa xòa bờ môi
Người xa ngàn dặm tái hồi
Lệ hồng nhỏ giọt nổi trôi tình trường.

ChinhNguyen/H.N.T.
Jul.11.2017

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Tàn Thu


Nhìn mùa thu chết chết bên song
Nhớ quá thu ơi đến não lòng
Chờ đợi ai từ muôn nẻo đến
Nghe sầu nằng nặng lệ sa mong

Kim Phượng


Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Chân Quen Phố Lạ


Chốn Cũ

Chân quen con phố lạ
Tàng phượng kia tên khắc chửa nhòa
Thì ra nơi chốn cũ

Ta Về

Người xưa vẫn nằm đó
Mặt phủ đầy hoa những hoa dại
Âm thầm hoài gọi tên

Và Thực Tại

Gót giày nghiêng sỏi nhỏ
Giật mình mộng tỉnh giấc chiêm bao
Quê nhà trào khát vọng

Kim Phượng


Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Yêu Thầm - Còn Ai - San Sẻ


Bài Xướng:

Yêu Thầm


Dần khuất chim chiều vỗ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước
Định mệnh chôn vùi những đắm say
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gửi về ai đó tình vô vọng
Buồn chất trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng

***
Họa Vần: 

Còn Ai?


Nhiều khi lặng lẽ ngắm mây bay
Lạc lõng trần gian quá đủ dài
Những mối duyên hờ luôn sớm rã
Vài ly rượu lạt cũng ngà say
Dây dài giếng cạn tin lầm lỡ
Đá nát vàng tan bước quắt quay
Khổ nỗi chân tình cho ế ẩm
Còn ai ở lại để thương hoài?

Cao Linh Tử
4/7/2017 
***
Bài Họa 2( Đối Họa):


San Sẻ

Chim chiều mất tổ lượn lờ bay
Thương cảm hoàng hôn bóng đã dài
Sớm biết tình chia hai lối mộng
Sao đành rượu chuốc lắm lần say
Từng trang nhật ký dần phai nhạt
Một cõi dinh hoàn* chửa hết quay
Ta vẫn trông theo từng cánh nhạn
Kìa ai chung bệnh sớt u hoài…

Cao Linh Tử
14/7/2017
* Dinh hoàn là cõi Địa hoàn hay là Trần gian


Ra Đi


Ra đi mùa hoa phượng;
Để lại bao tiếc thương!
Vất vả thật khó lường!
Nặng tình yêu quê hương!

THẠCH TRONG (HĐN)

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Em Đâu Rồi - Mù Xa


Bài Xướng:

Em Đâu Rồi

Từ ngày em vắng bóng
Như thiếu ánh trăng vàng
Ngơ ngẩn trời u ám
Bùi ngùi gió thở than
Anh ngồi trong gác nhớ
Hồn lịm giữa canh tàn
Chẳng biết người còn đến
Hay như lọn khói tan

Quên Đi
***
Bài Họa:

Mù Xa


Người hỡi lầu xưa ấy
Tìm đâu bóng hạc vàng
Bẽ bàng câu ước hẹn
Não nuột tiếng sầu than
Đêm đến nhìn tim lụn
Ngày qua đợi nến tàn
Lạnh trời mây viễn xứ
Có họp ắt ly tan

Kim Phượng


Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Thơ Tranh: Mến Tặng Kim Phượng


Thơ: Thạch Trong(HĐN)
Thơ Tranh: Kim Oanh


Phượng Tím - Một Loài Hoa Tím


Bài Xướng:

Phượng Tím


Phượng tím từng chùm trong nắng mai
Mỏng manh, hiền dịu lẫn trang đài
Như nàng trinh nữ duyên e ấp
Tựa gái thuyền quyên nét cảm hoài
Đồng Khánh tan trường...tà phất phới
Gia Long vào hội ..vạt bay bay (*)
Sắc hoa: màu áo, ngôi trường cũ
Nỗi nhớ bao mùa chẳng nhạt phai..

(*) Màu tím là màu áo dài đồng phục của nữ sinh
Đồng Khánh ( Huế ) và Gia Long ( Saigon )
Phương Hà
***
Bài Họa:

Một Loài Hoa Tím

Như hoa say nắng buổi ban mai
Xuân trĩu nhành khoe cánh nhụy đài
Ngõ sớm trời trong hồn sóng sánh
Mùa sang phượng tím sắc u hoài
Dáng huyền yểu điệu hài vang động
Tà vạt dịu dàng gió lượn bay
Hoa tím tôi yêu thời khát vọng
Mộng đầu ngày ấy chẳng phôi phai

Kim Phượng




Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Vòm Trời Kỷ Niệm


Ôm bờ vai tóc mây huyền óng ả
Tiếng cười vui rộn cả góc sân trường
Nàng vô tư chân nhẹ thoát hài xinh
Dưới tàng phượng cùng bầy ve ra rả

Vạt nắng chiều mơn man từng kẽ lá
Rơi điểm đầy trên tà vạt trắng tinh
Rạng rỡ soi môi sắc phượng hữu tình
Trong thoáng chốc vấn vương hình bóng ấy

Giờ thấy nhau mai sân trường trống vắng
Có còn ai cho len lén trộm nhìn
Nghe buốt tim hằn dấu gót hài in
Giấc mộng đầu yêu thương đành để lại

Kim Phượng

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Vào Nghề Giáo



Hè năm 1955, tôi được anh bạn là Trần Thế Lý dậy toán tại trường trung học Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh long cho biết trường đang cần giáo sư Anh văn, nên rủ tôi xuống dạy cho có bạn. Hồi đó tôi mới tu nghiệp ở Thụy sĩ về, chưa có việc làm nên nhận lời ngay.

Lần đầu tiên tôi gặp cha Quang, hiệu trưởng của trường, tôi xin ngài cho tôi dạy toán hay Việt văn; lúc đó trường còn theo chương trình Pháp, mà tôi phải dạy tiếng Anh bằng tiếng Pháp, sợ soạn bài bằng hai ngôn ngữ không biết có kham nổi không; vì biết mấy tháng trước đó tôi có đi làm thông dịch trong Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến (ICC) cho phái đoàn Pháp, nên ngài nói, “Thầy làm việc cho phái đoàn Quốc Tế được, thì việc dạy song ngữ Anh Pháp đâu có gì khó!” Thế là đâm lao phải theo lao. Niên khóa 1955-1956 tôi phải dạy Anh văn cho 3 lớp: cinquième, quatrième và troisième. Vào khoảng giữa niên khóa sở giáo dục ra lệnh cho các trường công lập cũng như tư thục phải chuyển từ chương trình Pháp sang chương trình Việt. Các trường trung học đều bắt đầu từ lớp đệ thất tới lớp đệ nhất; học xong đệ tứ các học sinh sẽ thi lấy bằng Trung học; lớp đệ nhị thi Tú tài một, và lớp đệ nhất thi Tú tài hai. 
Chương trình trung học lúc đó chỉ phải học một ngoại ngữ: Anh hay Pháp tùy học sinh chọn; trường Nguyễn Trường Tộ lúc đó có lớp troisième, cuối năm phải thi Brevet nên trường vẫn giữ nguyên, còn các lớp khác đều chia làm hai, lớp Pháp văn và lớp Anh văn; thầy Phong dạy các lớp Pháp còn tôi dạy các lớp Anh…Cũng trong niên khóa này tôi được linh mục linh hướng khi tôi còn ở Thụy sĩ xin cho tôi được học bổng du học tại Fribourg về y khoa: bốn năm lý thuyết tại Thụy sĩ và ba năm thực tập tại Tây đức. Vì giấy thông hành cũ của tôi còn giá trị, nên tôi chỉ cần xin chiếu khán xuất cảnh là xong.
Hè năm đó, trước khi lên Saigon lo giấy tờ, tôi gặp cha Quang, trình bày công việc xuất ngoại của tôi và xin ngài tìm người thay thế. Không may cho tôi là khi tới sở công an, người ta cho biết: hiện đang có lệnh không cho thanh niên tuổi quân dịch xuất ngoại! Thế là chương trình du học của tôi trở thành mây khói. Trở lại Vĩnh long, cha hiệu trưởng NTT đã xếp giờ cho ông Ngô, bạn của tôi rồi; tôi trở thành thất nghiệp! Vì còn đang là mùa hè, tôi vội làm đơn xin dạy giờ tại trường công Nguyễn Thông (sau đổi ra Tống Phước Hiệp). Tôi có quen với ông hiệu trưởng của trường, nên được nhân dạy Anh văn cho hai lớp Đệ tam và Đệ nhị. Trong những ngày đi đi về về Vĩnh long, Sài gòn, tôi đã tiêu hết số tiền dành dụm trong năm dạy tại NTT, vì thế tôi phải xin phép mở lớp dạy Anh văn tư để có tiền chi dụng hằng ngày.
Niên khóa 1977-1978 tôi xin cha Quang cho tôi trở lại NTT, ngài cố xếp cho tôi dạy một lớp Đệ lục. Tới niên khóa 1959-1960, ông bạn của tôi làm giám đốc trường Lam Sơn, mới mở, mời tôi và các giáo sư trường công ra dạy. Điều không may cho tôi là ông ta cho người gián quảng cáo tên các giáo sư của trường ngay gốc cay me giữa sân trường NTT, đứng đầu danh sách là tôi! Thấy vậy cha Quang liền mời tôi đến nhà xứ, tỏ ý muốn tôi chỉ dạy trường công và NTT thôi. Về nhà, tôi hỏi ý kiến ông Oánh cùng dạy với tôi tại NTT năm đó, anh nói, “Nếu dạy trường tư thì nên dạy nhiều trường để tránh bị chèn ép sau này.” Đàng khác tại NTT tôi chỉ dạy có một lớp, còn bên Lam Sơn tôi dạy tất cả các lớp Anh văn; hơn nữa tôi còn đứng ra mở một lớp luyện thi Tú tài ban tối tại Lam Sơn, với sự cộng tác của các bạn dạy trường công với tôi nữa. 

Tiến thoái lưỡng nan!“Thân này nếu xẻ làm đôi, nửa cho Trường Tộ, nửa về Lam Sơn.” Sau cùng tôi phải từ giã NTT, nơi tôi bắt đầu nghề gõ đầu trẻ, cũng là nơi tôi có được những kỷ niệm tốt đẹp và kinh nghiệm ban đầu trong sự nghiệp dạy học của tôi! Thôi đành” Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” vậy. Tuy nhiên không bao giờ tôi quên được trường Nguyễn, Vĩnh long, vì đã cho tôi những kinh nghiệm rất cần thiết cho sự thành công trong suốt 28 năm tôi dạy tại các trường tư thục nổi tiếng nhất Sài gon như: Nguyễn Bá Tòng, Lê Bảo Tịnh, Thánh Tôma, Chí Thiện ... .

THẠCH TRONG (HĐN)


Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Yêu Thầm - Còn Ai?


Bài Xướng: 

Yêu Thầm


Dần khuất chim chiều vỗ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước
Định mệnh chôn vùi những đắm say
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gửi về ai đó tình vô vọng
Buồn chất trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng
***
Họa Vần: 

Còn Ai?


Nhiều khi lặng lẽ ngắm mây bay
Lạc lõng trần gian quá đủ dài
Những mối duyên hờ luôn sớm rã
Vài ly rượu lạt cũng ngà say
Dây dài giếng cạn tin lầm lỡ
Đá nát vàng tan bước quắt quay
Khổ nỗi chân tình cho ế ẩm
Còn ai ở lại để thương hoài?

Cao Linh Tử
4/7/2017 


Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Mến Tặng Kim Phượng



Em thích hoa phượng tím.
Mắt đôi lúc lim dim;
Miệng thỉnh thoảng cười mỉm;
Buồn luôn nén trong tim!

THẠCH TRONG (HĐN)

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Yêu Thầm - Tình Đơn Phương


Yêu Thầm

Dần khuất chim chiều vỗ cánh bay
Đêm đơn thăm thẳm tiếp đêm dài
Mộng lòng vừa chớm trong mơ ước
Định mệnh chôn vùi những đắm say
Giọt lệ âm thầm còn luyến nhớ
Thời gian vun vút chẳng ngừng quay
Gửi về ai đó tình vô vọng
Buồn chất trong tim mối cảm hoài

Kim Phượng

***
Tình Đơn Phương
Cảm Tác Từ Yêu Thầm Của Kim Phương

Gió thoảng khói chiều nhẹ tỏa bay
Canh khuya thức trắng biết đêm dài
Lòng nầy nỗi nhớ, tràn mộng ước
Duyên kiếp không chừa kẻ đắm say
Đơn độc tình ta che nỗi nhớ
Thiết tha vắng lặng trí cuồng quay
Ai kia có thấu, chờ đồng vọng
Tình chứa đầy tâm, sẽ nhớ hoài

Nguyễn Cao Khải



Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Thu Luyến Lưu


Bài Xướng: 

Thu Luyến Lưu

Đông đã về rồi thu chửa đi
Phải chăng lưu luyến tuổi xuân thì
Vàng nhu hương áo chờ tình mộng
Chưa đủ mặn nồng khó biệt ly!

Quyến Luyến Thu

Có phải thu vàng quyến luyến ta
Choàng hôn vai nhỏ nụ thiết tha
Để lòng ngơ ngẩn say hương ái
Ta lỡ yêu mùa ngấm thịt da

Lối Thu

Lối nhỏ ngập ngừng thu luyến lưu
Bước xưa hờ hững vẫn biệt mù
Bao mùa thay sắc lòng ta ngỡ
Chờ đợi mùa vàng trở gót thu

Kim Oanh
Thu Melourne 2017​
***

Bài Cảm Tác:

Thu Luyến Lưu


Mây ngàn lưu luyến dáng thu đi
Trĩu nặng cành sương chớ vội gì
Chờ khách tao nhân từ vạn nẻo
Tiễn thu lần cuối trước chia ly

Quyến Luyến Thu

Tập vở chừng như quyến luyến ta
Tìm thu trong lá sắc chan hòa
Ép lời quyến rũ vuông thơ chép
Những đoạn thu buồn lẫn xót xa

Lối Thu

Trút lá hàng cây ngập lối thu
Bóng ai chìm khuất lẫn sương mù
Vàng lên khắp nẻo gây thương nhớ
Lộng ngọc con đường kẻ lãng du

Kim Phượng
Thu Melbourne 2017


Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Sương Thu - Nắng Hạ


Sương Thu

Trăng ngập đầy khoang hồn ngập sầu
Sóng gờn gợn sóng thuyền về đâu
Sương thu lành lạnh đêm sâu lắng
Neo bến thuyền neo hỡi mộng đầu

Kim Phượng
***
Nắng Hạ
(Từ Sương Thu của Kim Phượng)

Nắng lùa song cửa quét hồn sầu
Bóng ai lồng bóng ngả nơi đâu
Gió hạ nồng say mơ trầm lắng
Ôm trọn vòng ôm dấu tình đầu

ChinhNguyen/H.N.T. 
Jul.1.2017


Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Gió Thu



Dòng sông ôm bóng ánh trăng treo
Nhè nhẹ dừng tay gác mái chèo
Cũng bến đò xưa con nước bạc
Chạnh lòng nghe tiếng gió thu reo

Kim Phượng

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Giai Nhân - Tiên Nữ



Bài Xướng:

Giai Nhân

Sương mai mình hạc nhẹ đôi chân
Gót ngọc hài thanh hương động trần
Gió núi mơ màng nghiêng dáng liễu
Trăng ngà thờ thẩn đợi giai nhân

Kim Phượng
***
Bài Họa:

Tiên Nữ

Cỏ mượt êm dìu mỗi bước chân
Phiêu phiêu lướt nhẹ cõi gian trần
Sương mờ động động rung nhành liễu…
Tiên Nữ hạ phàm dạo thế nhân?


dovaden2010